Đại sứ Phạm Sanh Châu trình quốc thư lên Quốc vương Bhutan

Ngày 4/1, tại Cung điện Tashichho Dzong ở Thimpu, Thủ đô Vương quốc Bhutan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu đã trình Quốc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lên Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

Chú thích ảnh
Quốc vương Bhutan chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sứ Phạm Sanh Châu và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam. 

Lễ trình quốc thư được tiến hành trọng thể theo nghi lễ Hoàng gia Bhutan.

Có 6 đại sứ trình quốc thư trong dịp này, bao gồm Đại sứ Việt Nam, Azerbaijan, Bỉ, Brazil, Hàn Quốc, Hà Lan (mỗi năm Bhutan chỉ tổ chức 2 dịp trình quốc thư).

Trong buổi hội kiến Quốc vương Bhutan sau khi trình Quốc thư, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

Đại sứ bày tỏ sự vui mừng được sang nhận nhiệm vụ Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Bhutan - nơi được mệnh danh là “Vương quốc hạnh phúc nhất trên thế giới”. Đại sứ cam kết sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả.  

Tại buổi tiếp, Quốc vương Wangchuck đã hoan nghênh và chúc mừng Đại sứ Phạm Sanh Châu được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bhutan, coi đây là một dấu mốc quan trọng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2012.

Quốc vương bày vui mừng trước thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và đặc biệt việc duy trì truyền thống dân tộc của Việt Nam. Quốc vương đồng thời chia sẻ về những nỗ lực bảo tồn bản sắc và các giá trị truyền thống của Bhutan, cũng như thành công của nước này trong quá trình phát triển đất nước hơn 12 năm qua kể từ khi Ngài đăng quang.

Chú thích ảnh
Đại sứ Phạm Sanh Châu hội kiến Thủ tướng Bhutan Lyonchhen Lotay Tshering. 

Cùng ngày, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tới chào Thủ tướng Lyonchhen Lotay Tshering, Bộ trưởng Ngoại giao Tandi Dorji, Giám đốc Hội đồng du lịch Chimmey Pem, Tổng kiểm toán Tshering Kezang cùng lãnh đạo một số bộ ngành khác của Bhutan...

Tại các cuộc gặp, các quan chức Bhutan đều bày tỏ vui mừng về những tiến triển trong quan hệ hai nước sau 7 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/2012 - 1/2019), đánh giá cao những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Phía Bhutan cho rằng với những tương đồng về văn hóa, tôn giáo cũng như tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước, hai bên có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển và khai thác các lợi thế kinh tế của nhau. Phía Bhutan đề xuất gửi giáo viên tiếng Anh hỗ trợ các trường trung học của Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững và khai thác thuỷ điện.

Về phần mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu đề nghị phía Bhutan ủng hộ cơ chế tham khảo chính trị song phương cấp Vụ trưởng và miễn thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; mong muốn thúc đẩy việc trao đổi các chuyến thăm giữa lãnh đạo hai nước, giữa hai quốc hội, tòa án.

Đại sứ cũng nhấn mạnh việc tăng cường các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, kiểm toán, cũng như phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Ngoài ra, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ mong muốn phía Bhutan ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, mời lãnh đạo Bhutan tham dự Đại lễ Vesak được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 5/2019.

Việt Nam và Bhutan có quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi điện mừng nhân các dịp lễ. Về thương mại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu máy kéo, đồ gỗ nội thất và một số phụ tùng vào thị trường Bhutan.

Về đầu tư, hai nước có dự án đầu tư liên doanh đầu tiên giữa Tập đoàn AA Corporation của Việt Nam với công ty AdrukA của Bhutan trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất tại Bhutan, bắt đầu triển khai từ năm 2011 và hiện đang phát triển tốt. Theo thống kê của Hội đồng Du lịch Bhutan, năm 2018 có 1.432 du khách Việt Nam tới Bhutan.

Bhutan là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.700 USD (theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2017). Nguồn thu nhập chủ yếu của nước này dựa vào bán thủy điện và dịch vụ du lịch.

Về chính sách đối ngoại, Bhutan rất thận trọng và chọn lọc trong thiết lập quan hệ với các nước. Cho đến nay, nước này mới chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với 53 quốc gia mà chưa chủ trương thiết lập quan hệ với các nước khác, kể cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Tin, ảnh: Huy Lê (PV TTXVN tại Ấn Độ)
Kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bhutan
Kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bhutan

Chiều 1/1, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam đã long trọng kỷ niệm 5 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bhutan (ngày 19/1/2012 - 19/1/2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN