Yêu cầu làm rõ vụ giả nhãn mác bao bì hơn 18.000 tấn xi măng

Văn phòng Thường trực (VPTT) Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương làm rõ vụ làm giả nhãn mác, bao bì của 18.111 tấn xi măng để xuất khẩu đi Philippines.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm kê lô hàng xi măng có dấu hiệu làm giả nhãn mác, bao bì. Ảnh: CA Thanh Hóa

Kết quả điều tra báo cáo về Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trước ngày 5/4/2019.

Theo VPTT 389 Quốc gia, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin: Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan và Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra cảng Đại Dương và tàu Tân Bình 236 (quốc tịch Panama), phát hiện 18.111 tấn xi măng rời, do Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai (địa chỉ thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) sản xuất, nhưng lại đóng bao bì, nhãn mác của Công ty TNHH Long Sơn (phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ước tính, tổng giá trị số hàng hóa khoảng 20 tỷ đồng.

Số xi măng rời đóng bao trên do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Viết Nam (địa chỉ B32 - TT17, Khu đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) nhận xuất khẩu qua cảng Đại Đương, sang Philippines.

Đây là vụ việc có dấu hiệu của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, liên quan nhiều tỉnh và có yếu tố nước ngoài, nên Công an tỉnh Thanh Hóa bàn giao cho Công an tỉnh Nghệ An điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Để có cơ sở tổng hợp, đánh giá chính xác, khách quan về vụ việc, VPTT 389 đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương phối hợp điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng giả, kém chất lượng tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An để có giải pháp phòng chống trong thời gian tới.

Minh Phương/Báo Tin tức (Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia)
Đối phó tình trạng 'quảng cáo hàng thật nhưng giao hàng giả'
Đối phó tình trạng 'quảng cáo hàng thật nhưng giao hàng giả'

Lợi dụng đặc thù của thương mại điện tử (TMĐT) là người mua và người bán chỉ giao tiếp trên môi trường mạng nên có những kẻ xấu đưa lên mạng hình ảnh, thông tin của hàng thật để rao bán, nhưng khi khách nhận hàng thì có thể là hàng giả, hàng nhái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN