Khi người dân Syria phải ăn cỏ

Gần đây, một cuộc phỏng vấn đã xuất hiện trên mạng, trong đó một cậu bé Syria mới 5 tuổi cho biết em rất đói và gia đình em đã buộc phải ăn cỏ để cầm hơi.

Đó không chỉ là tình cảnh đau lòng của một em bé, một gia đình mà là thực tế khắc nghiệt hàng nghìn người Syria đang phải trải qua khi bị cô lập trong các thành phố đổ nát.

Đoạn phỏng vấn cậu bé Syria được cho là thực hiện ở thành phố Aleppo và danh tính của cậu bé vẫn chưa được làm rõ. Trước chiến tranh, Syria luôn có kho dự trữ chiến lược 3 triệu tấn lúa mỳ hàng năm. Thế nhưng, hồi tháng 3/2015, Tổng công ty Thương mại và Chế biến ngũ cốc của Syria cho biết phải nhập khẩu 150.000 tấn lúa mỳ để cứu đói cho dân. Dù hàng triệu người Syria đã bỏ quê nhà sang các nước láng giềng, nhưng chính quyền Syria vẫn khó khăn trong đảm bảo đủ lương thực cho người ở lại. Giao tranh đã khiến nhiều công ty không thể mua bán lúa mỳ. Đó là một phần lý do khiến người dân Syria không có gì ăn.

Trẻ em Syria ở Madaya phải ăn canh nấu từ cỏ và lá cây.

Một lý do nữa là họ bị kẹt giữa các bên trong cuộc chiến đẫm máu. Riêng tại Aleppo - thành phố lớn nhất Syria, nơi đây đã bị giành giật giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập từ năm 2012. Người dân không thể rời thành phố đã phải sống trong điều kiện như địa ngục. Báo cáo gần đây của tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hơn 3.000 dân thường đã thiệt mạng năm 2015 chỉ riêng ở Aleppo và tính từ năm 2012 thì con số này là hơn 11.000 người.

Những ai thoát khỏi bom đạn thì phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt không kém: Cái đói. Các nhân viên cứu trợ cho biết tại khu ngoại ô Madaya phía tây nam của thủ đô Damascus, hết gạo, người dân phải ăn cả cỏ. Nhiều trẻ em đói, chết vì suy dinh dưỡng. Hình ảnh dân Syria tại Madaya - nơi bị phe đối lập bao vây - chỉ còn da bọc xương xuất hiện trên mạng xã hội khiến dư luận không khỏi sốc. Dân ở đây đã ở giữa hai làn đạn suốt từ tháng 7/2015. Khi lần đầu được các đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp cận, người dân đã phải trải qua một thời gian dài chống chọi với cái đói, khi không còn cả chó, mèo để ăn, họ chỉ còn cỏ và lá cây. Họ phải chịu cảnh chết dần, chết mòn vì đói nếu không dám liều mình ra ngoài để tìm thức ăn, thuốc men. Theo thống kê, hơn chục người đã chết vì đói trong những tuần qua ở hai làng này, bằng đó người bị các tay súng bắn tỉa giết chết hoặc dẫm phải mìn khi ra ngoài tìm thức ăn.

Majed Ali, một người ở Madaya cho biết tình cảnh người dân ở đây còn thê thảm hơn trong mùa đông, khi mà không cây cỏ nào mọc được nên những thứ đó cũng không có mà ăn. Vốn to béo, Ali đã giảm 33 kg kể từ khi Madaya bị bao vây. Còn một người dân khác tên Abu Abdul Rahman cho biết anh đã không ăn gì suốt 4 ngày. Anh và gia đình phải cố gắng hạn chế vận động trong nhà để giữ năng lượng.

Theo bà Elizabeth Hoff, đại diện WHO ở Damascus, WHO cần kiểm tra từng nhà dân trong thị trấn 42.000 người này để đánh giá tình trạng sức khỏe của họ. Một bác sĩ Syria cho biết có khoảng 300 - 400 người cần chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Con số này sẽ còn tăng khi mà hiện còn 400.000 người ở Syria đang bị bao vây ở 15 thành phố và thị trấn cùng với hơn 4 triệu người đang sống trong những khu vực khó tiếp cận.

Không chỉ ở Madaya, người dân sống ở các nơi khác bị bao vây tại Syria cũng chung số phận ăn cỏ để xua cái đói cồn cào. Hai ngôi làng Foua và Kfarya ở tỉnh Idlib, dân không có gì ăn ngoài cỏ và nếu phải phẫu thuật, họ không có cả thuốc gây mê. Tại hai làng này, giá thực phẩm tăng vọt, 1 kg lúa mỳ nghiền có giá 250 USD. Một hộp 900 gram sữa bột dành cho trẻ em có giá 300 USD.

Các tổ chức cứu trợ, từ thiện cáo buộc cả quân chính phủ Syria và phe đối lập đang cố tình lợi dụng tình hình nhân đạo để giành lợi thế về quân sự, để giành thế trên tại bàn đàm phán hòa bình sắp diễn ra ở Geneva. Ông Sonja Noderer thuộc tổ chức từ thiện Care International ở Beirut nhận định: “Liên hệ giữa đàm phán chính trị và cứu trợ nhân đạo là rất nguy hiểm. Chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh người chết đói ở Madaya. Thế giới coi đây là một thị trấn không may mắn nhưng điều này đang xảy ra ở nhiều nơi khắp Syria”.

Bị bao vây có nghĩa là người dân bị cắt đứt hoàn toàn với cứu trợ nhân đạo, không thực phẩm, không thuốc men, nơi ở không có nước và không được sưởi ấm. Mục đích của bên bao vây là để cho người dân rơi vào cảnh cùng quẫn mà nổi dậy tấn công bên đang kiểm soát khu vực đó. Theo ông Sharif Nashashibi, nhà phân tích các vấn đề chính trị Arab ở London, biện pháp bao vây này là tội ác chiến tranh cho dù bên bao vây là ai đi chăng nữa. Hiện không thể chỉ đổ lỗi cho bên này hay bên kia, bởi vì có nhiều bên tham gia vào cuộc chiến ở Syria và họ bao vây nhiều cộng đồng khác nhau.

Tình cảnh bi đát của người dân Syria cho thấy thế giới cần gấp rút thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột Syria đã bước sang năm thứ 6. Và trên hết, cả chính phủ lẫn phe đối lập Syria cần phải nhượng bộ và có ý chí chính trị để kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu này, để khi đó, không ai còn phải ăn cỏ hay lá cây nữa.
Thùy Dương
Quân đội Syria giành lại nhiều vị trí chiến lược
Quân đội Syria giành lại nhiều vị trí chiến lược

Ngày 5/2, quân đội Syria đã giành lại kiểm soát thị trấn Ratyan ở tỉnh Aleppo, miền Bắc nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN