Thế giới đối mặt với nguy cơ đói ăn

Hàng triệu người dân châu Phi và châu Á có thể sẽ không có đủ lương thực để ăn giữa bối cảnh giá của các loại lương thực cơ bản dự đoán tăng gấp đôi vào năm 2050. Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhận định của giới chuyên gia, là do những hình thái thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng mùa màng.


 

Giá các loại thực phẩm dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Ảnh: Internet

 

Dân số thế giới ước tính sẽ tăng lên 9 tỉ người vào năm 2050. Trong khi đó, các nhà khoa học đang lo ngại sự ấm lên của Trái đất không chỉ biến nhiều phần lãnh thổ của châu Phi thành những vùng đất “chết” mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung lương thực, qua đó tác động trực tiếp đến người nghèo.


Ngay cả những nền nông nghiệp hùng mạnh như Mỹ cũng được dự đoán sẽ phải trải qua những thay đổi to lớn trong ba thập niên tới, khi khí hậu nóng hơn sẽ phá hủy mùa màng. Báo cáo dự thảo nghiên cứu khí hậu quốc gia Mỹ dự đoán tình trạng ấm dần lên của Trái đất cũng như việc không thể dự báo trước các hình thái thời tiết khắc nghiệt - như trận hạn hán trải dài trên 2/3 lục địa Mỹ hồi năm ngoái - sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khốc liệt cho nông dân.


Ông Frank Rijsberman, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế CGIAR, nhận định: “Sản lượng lương thực toàn cầu sẽ phải tăng thêm 60% vào năm 2050 để bắt kịp tốc độ gia tăng dân số thế giới cũng như những thay đổi trong nhu cầu sử dụng thực phẩm”. Theo ông Frank, thủ phạm của tình trạng đói ăn tại các châu lục là sự biến đổi khí hậu. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, sản lượng lương thực tăng thêm hàng năm sẽ không theo đúng dự tính của con người.


Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các loại vật nuôi và cây trồng khi làm phát sinh nhiều loại sâu bệnh hơn trong khi những loại thuốc phòng trừ trở nên kém hiệu quả. Ông Jerry Hatfield, Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia về nông nghiệp và môi trường của chính phủ Mỹ, cho biết biến đổi khí hậu đã khiến cho các loại hình thời tiết cực đoan (như nắng nóng, bão, lũ lụt...) ngày càng trở nên tồi tệ. Báo cáo ước tính ngành công nghiệp rượu trị giá 50 tỉ USD của bang California có thể bị thu hẹp đến 70% vào năm 2050, trong khi nền công nghiệp trang trại trị giá 300 tỉ USD của Mỹ cũng sẽ phải gánh chịu nhiều tác động nghiêm trọng.


Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác trên thế giới cũng đã chứng kiến những mùa vụ thất bát. Năm 2010, sản lượng lúa mì của Nga giảm 33%, Ucraina giảm 19%, Canađa giảm 14% và Ôxtrâylia giảm 9%.


Khu vực châu Á cũng là một nạn nhân của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu về độ phì nhiêu của khu vực hạ lưu sông Mê Công cho thấy, nhiệt độ tại đây có thể tăng gấp đôi so với dự kiến. Jeremy Carew - Reid, tác giả của Nghiên cứu tác động và sự thích nghi với biến đổi khí hậu cho vùng hạ lưu sông Mê Công, cho hay nhiệt độ và lượng mưa trong khu vực này sẽ cao hơn mức dự báo và hậu quả là nguồn cung cấp thực phẩm cho 100 triệu dân nơi đây sẽ bị phá hủy vào năm 2050.


Bà Ertharin Cousin, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, cho rằng: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn có nhiều nguy cơ. Tình trạng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người nghèo thiếu thực phẩm, đặc biệt là những người sống trong các vành đai xung đột hay các khu vực có năng suất nông nghiệp thấp”. Bà Cousin nhấn mạnh: “Thế giới cần phải hành động nhanh chóng để bảo vệ những người nghèo khổ nhất”.


Anh Minh (Theo The Guardian)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN