Giải Ngoại hạng Anh cũng lao đao vì Brexit

Trong khi chính trường Anh nóng lên từng ngày với số phận còn chưa rõ ràng của tiến trình Brexit đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU), thì giới thể thao "xứ sương mù" cũng lao đao vì những lo ngại tác động của Brexit tới các vận động viên, các cổ động viên và cả các nhà đầu tư.

Chú thích ảnh
Premier League đang lo ngại bị ảnh hưởng bởi Brexit. Ảnh: sports.yahoo.com

Những hạn chế mới với người nhập cư từ EU tới Anh thời kỳ hậu Brexit là một vấn đề được đặc biệt quan tâm đối với những người hoạt động trong bóng đá vốn đã tạo ra tại Anh một trong những giải đấu nội địa hấp dẫn nhất thế giới là Premier League.

Dù được nhìn nhận là mang đến cơ hội tốt hơn cho các cầu thủ Anh, nhưng Brexit cũng sẽ hạn chế nền bóng đá "xứ sương mù" tiếp cận với những tài năng từ các nước khác trên toàn châu lục. Những cầu thủ sáng giá như Eden Hazard vốn có thể tự do di chuyển từ Bỉ để tới cống hiến cho Chelsea nói riêng và cho nền bóng đá Anh nói chung nay sẽ gặp những vấn đề mới.

Không ít những ngôi sao tỏa sáng tại Giải Ngoại hạng Anh thực tế là các cầu thủ ngoại từ các quốc gia khác tại châu Âu như Kevin De Bruyne (Bỉ), Leroy Sane (Đức), Paul Pogba (Pháp), David Silva (Tây Ban Nha)... Trong số 290 ngoại binh thi đấu tại Premier League mùa giải 2017-2018 thì có tới 31 cầu thủ Tây Ban Nha. Không thể phủ nhận những đóng góp của các ngoại binh chất lượng cao đã và đang giúp Premier League "thay da đổi thịt" và duy trì độ hấp dẫn trên toàn cầu.

Ban tổ chức Premier League từng cho biết đã có những cuộc thảo luận tích cực với Chính phủ Anh về tầm quan trọng của việc để các câu lạc bộ được tiếp cận các cầu thủ châu Âu cũng như những giá trị văn hóa và kinh tế khác mà giải đấu này mang lại cho Anh.

Cũng giống như dư luận cả nước, các chủ sở hữu của các đội bóng tại Anh cũng có ý kiến trái chiều về Brexit. Tỷ phú Steve Lansdown, sở hữu Bristol City, luôn ủng hộ Anh rời EU và tin rằng đây sẽ là cơ hội mang lại lợi nhuận cho bóng đá Anh.

Ông Lansdown tin rằng khi ít người nước ngoài nhập cư hơn thì các câu lạc bộ cũng trở nên có chọn lọc hơn, các cầu thủ ngoại sẽ trải qua quá trình kiểm tra khắt khe hơn và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các cầu thủ Anh.

Trong khi đó, ông chủ của Burnley Phil Garlick lại lo ngại Brexit sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền bóng đá Anh. Theo ông này, việc không còn được tự do di chuyển sẽ khiến các câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn trong tuyển mộ nhân tài ngoại quốc và kéo theo các khoản chi phí không nhỏ.  

Không chỉ có môn thể thao vua mà cả những môn thể thao phổ biến khác tại Anh cũng chịu chung số phận chưa lường được tương lai hậu Brexit.

Môn bóng bầu dục là một ví dụ. Dù không phụ thuộc nhiều vào các vận động viên ngoại nhưng việc tham gia các giải đấu tại châu Âu cũng sẽ khó khăn hơn khi Anh không còn tư cách thành viên của "mái nhà chung". 

Ngày 29/3/2019 là ngày mà Anh sẽ chính thức "dứt áo ra đi" và trùng hợp đây cũng là ngày diễn ra tứ kết Cúp Vô địch Bóng bầu dục châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc các cầu thủ và các cổ động viên sẽ gặp những trở ngại trong quá trình di chuyển và những trở ngại này sẽ ra sao thì chưa ai biết và liệu có ảnh hưởng lớn tới lịch trình thi đấu hay không cũng chưa ai đảm bảo.

Giám đốc điều hành của Rugby Players Ireland Simon Keogh cho rằng Brexit sẽ sớm tạo ra những khoản chi phí đắt đỏ cho Hiệp hội Bóng bầu dục Ireland (IRFU) hay một số vận động viên ngoại.

Những ảnh hưởng của Brexit tới thu nhập của các vận động viên cũng đặc biệt gây lo ngại.

Anh luôn tự hào là nơi "chôn rau cắt rốn" của nhà vô địch đua xe Công thức 1 Lewis Hamilton và là quê hương của một số đội đua đáng gờm như Renault, Williams và McLaren. Điểm chung của các đội đua là đều có lượng nhân viên nước ngoài đông đảo.

Giám đốc điều hành của Renault Marcin Budkowski cho rằng chặng đường phía trước sẽ rất chông gai vì những thay đổi trong luật nhập cư và vì không rõ trong tương lai việc thuê các nhân viên ngoại sẽ ra sao.

Ngoài ra, các giải đua ngựa vốn rất được ưa chuộng tại Anh cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi Brexit sẽ tác động trực tiếp tới nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho bộ môn thể thao này cũng như trực diện hơn là cung thực phẩm cho ngựa và việc di chuyển ngựa tới các địa điểm huấn luyện khác nhau trên toàn châu Âu.

Những người có liên quan cho tới nay đều mong đợi một điều có ý nghĩa sau cùng để lý giải vì sao họ phải hứng chịu những tổn hại này đồng nghĩa với gánh nặng với chính phủ càng lớn hơn để không chỉ chứng minh một thỏa thuận Brexit hiệu quả mà còn phải chứng minh một Brexit đáng đánh đổi.

Lê Ánh (TTXVN)
 ‘Gà trống’ đánh bại ‘Quỷ đỏ’: Lời thách thức cho cả Premier League
‘Gà trống’ đánh bại ‘Quỷ đỏ’: Lời thách thức cho cả Premier League

Với sự bùng nổ trong hiệp 2, Tottenham đã lần đầu tiên sau 4 trận đấu đánh bại được Quỷ đỏ ngay tại Old Trafford trong trận cầu tâm điểm của vòng 3 Premier League.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN