Già làng bảo tồn chữ viết của người Chu Ru

Hiện nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng già làng Ya Loan (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) vẫn tích cực truyền dạy chữ viết của đồng bào dân tộc Chu Ru cho mọi người. Ở buôn làng, người dân thường gọi ông là “thầy Ya Loan”.

Anh Ya Si Môn, đang tự học chữ Churu, thỉnh thoảng lại nhờ già làng chỉ bảo. Ảnh: baolamdong.vn

Đi qua mấy cánh đồng lúa ở thôn K’Lót thuộc xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) chúng tôi đã đến được nhà của già Ya Loan. Ngày không phải lên lớp, già  ở nhà cùng vợ chăm chút vườn cà chua, vườn chanh leo của gia đình. Vẫn vẹn nguyên phong thái của người thầy từng đứng lớp cấp tiểu học, già Ya Loan kể về việc dạy tiếng Chu Ru một cách chậm rãi và chân thành. Già Ya Loan chia sẻ, già muốn lưu giữ và phổ biến chữ viết của người Chu Ru không chỉ cho con em trong làng mà cả những cán bộ địa phương nữa nên đã nhận lời đứng lớp khi có đề nghị, già Ya Loan cho biết.

Từng là giáo viên tiểu học, đến năm 1980, già Ya Loan xin nghỉ công tác. Đến năm 2005, già được mời đi thỉnh giảng các lớp dạy tiếng Chu Ru cho cán bộ, giáo viên… do tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Trong những năm qua đã có nhiều khóa đào tạo của già làng Ya Loan được hoàn thành với hàng trăm cán bộ, công chức được phổ cập tiếng Chu Ru.

Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra Đinh Văn Hoàng cho biết: Già Ya Loan dạy rất dễ hiểu. Già luôn tận tình hướng dẫn học viên trong suốt quá trình học để sau khi tốt nghiệp ai cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Chu Ru với người bản địa.

Mỗi khoá học tiếng Chu Ru thường kéo dài 5 tháng, được tổ chức ở trung tâm huyện, thành phố Đà Lạt, cách nhà hàng chục km nhưng già Ya Loan vẫn cần mẫn đi về. Theo già Ya Loan, để dạy được tiếng Chu Ru, già và nhiều già làng, cán bộ văn hóa đã dày công biên soạn những bộ sách, giáo án giảng dạy cho phù hợp. Tất cả những tài liệu phải gắn với kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, thật dễ hiểu và thực hành.

Không chỉ dạy tiếng Chu Ru cho cán bộ người Kinh, già Ya Loan còn tham gia nghiên cứu, biên soạn từ điển Việt - Chu Ru, phục vụ công tác giảng dạy và cung cấp cho con em trong buôn làng. Cuốn từ điển gồm 10 ngàn từ phổ biến, thông dụng và cả những từ ít dùng trong đời sống, sinh hoạt của người Chu Ru. Già lý giải, cuốn từ điển này sẽ giúp người dân trong buôn làng nhớ được chữ viết của dân tộc mình, nhất là những người trẻ tuổi.

Anh Ya Si Môn (30 tuổi, thôn Ma Đanh, xã Tu Tra) cho biết: Dù không học trực tiếp nhưng anh vẫn ưu ái gọi già Ya Loan là thầy bởi già đã giúp anh hiểu thêm về ngôn ngữ của dân tộc mình. Nhiều bạn trẻ như  anh thường chỉ nói được tiếng Chu Ru nhưng không am hiểu về chữ viết, ngữ pháp nên việc đọc thêm từ điển song ngữ Việt - Chu Ru là rất hữu ích.

Cuối năm 2017, già Ya Loan đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại lễ Tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc 2017.

Già Ya Loan cho biết già  đang cùng một số trí thức biên soạn bộ từ điển song ngữ Chu Ru - Việt, phục vụ mọi người. "Mục đích cuối cùng là góp phần bảo tồn nét văn hoá của dân tộc, đặc biệt là bảo tồn chữ viết và ngôn ngữ của người Chu Ru”, già Ya Loan tâm sự.

Nguyễn Dũng (TTXVN)
Tục cưới và ma chay của người Kơ Ho, Chu Ru: “Vòng kim cô” nối dài của người phụ nữ - Bài cuối: Đắng cay nợ xương cốt
Tục cưới và ma chay của người Kơ Ho, Chu Ru: “Vòng kim cô” nối dài của người phụ nữ - Bài cuối: Đắng cay nợ xương cốt

Cái “giá” để gây dựng hạnh phúc đầu đời nặng nề là thế, nhưng vẫn còn nhẹ nhàng hơn gánh nặng của người phụ nữ khi người bạn đời chẳng may “đi” trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN