Không có cầu, hàng ngàn học sinh phải lội sông, suối đến trường

Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng nhiều cầu bắc qua sông, suối, nhất là tại các địa bàn khó khăn để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do địa bàn các huyện miền núi có nhiều sông, suối nên hiện nhiều học sinh của tỉnh Quảng Ngãi vẫn phải lội sông suối đến trường. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi mùa mưa bão nước lũ dâng cao.

Sáng nào phụ huynh học sinh của các điểm trường tiểu học thôn Mang Krúi, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ cũng phải cõng các em qua sông Liên để đến lớp; buổi chiều, các thầy giáo sẽ cõng các em qua sông để về nhà.

Điểm trường tiểu học thôn Mang Krúi có 27 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Dòng sông Liên chảy qua xã Ba Lế cũng như những dòng sông khác, vào mùa nắng nước cạn nhưng mùa mưa nước lũ dâng cao, việc qua sông rất nguy hiểm. Do đó, những ngày mưa lũ gần như các em học sinh ở điểm trường này phải nghỉ học.

Anh Phạm Sìn, xã Ba Lế, nói: "Các thầy giáo đã giúp đưa con em mình qua sông những lúc phụ huynh chưa đưa đón được. Người lớn bận đi lên nương rẫy, nên nếu các thầy không đưa qua sông thì các cháu phải chờ đến tối mới có người qua cõng về. Chỉ mong các con học được cái chữ...".

Thầy Thới Chiến, giáo viên ở điểm trường tiểu học thôn Mang Krúi, xã Ba Lế, chia sẻ: "Những ngày mưa lũ, các giáo viên nhắc phụ huynh chủ động cho con em nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng, sau đó sẽ có kế hoạch dạy bù cho các em sau.

Còn vào những buổi các em đến trường, khi tan học vào buổi chiều, phụ huynh đi làm chưa về giáo viên phải cõng các em qua sông về nhà. Dù là giáo viên hay phụ huynh thì mỗi khi đưa các em qua sông đều phải mang áo phao cho học sinh".   

Còn tại điểm trường Đèo Rơn thuộc Trường tiểu học Sơn Hạ 1, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, hình ảnh các em học sinh vào mỗi buổi sáng, buổi chiều mang theo chiếc cặp sách, cặp lồng cơm và chiếc áo phao được phụ huynh, giáo viên cõng qua suối không còn xa lạ.

Để các em được học chữ, giáo viên ở điểm trường Đèo Rơn không chỉ giúp phụ huynh đưa đón học sinh qua sông mà thầy cô còn phải lo cho các em cả những bữa cơm trưa. Đời sống của đồng bào dân tộc Hre còn khó khăn nên bữa cơm của các em nhỏ chủ yếu chỉ có cơm cùng với chút mắm hoặc rau rừng.

Các giáo viên đã trích lương của mình để mua thêm thức ăn cho học sinh. Thầy Hồ Xuân Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Hạ 1, cho biết: Giáo viên dạy tại các điểm trường lẻ ngoài việc đi dạy xa hơn trên những con đường núi hiểm trở còn đưa đón các em học sinh qua suối đến trường.

Do đó, nhà trường đã vận động giáo viên trong trường đóng góp để giúp đỡ học sinh tại các điểm trường lẻ, giúp các em có những bữa cơm no, đủ chất; chia sẻ khó khăn cùng với giáo viên tại các điểm trường lẻ.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, hiện hơn 4.000 học sinh từ bậc Mầm non đến Trung học cơ sở tại 6 huyện miền núi là Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Tây Trà, Trà Bồng và Sơn Tây hằng ngày phải lội suối khi đến trường. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự vận động, giúp đỡ của giáo viên tại các điểm trường nên học sinh nơi đây vẫn đến trường đều đặn, học hành chăm chỉ.

Ông Trần Sỹ, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhiều sông, suối nên hiện vẫn còn nhiều học sinh phải lội suối đến trường. Đây là điều không ai mong muốn.

Tuy nhiên, không vì vậy mà giáo viên để các em phải nghỉ học. Hàng ngày các thầy cô tại các điểm trường lẻ của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi bám lớp, vận động các em học sinh đến trường đầy đủ. Các thầy cô cùng với phụ huynh đưa các em qua sông, đảm bảo an toàn cho học sinh. Những ngày mưa bão thầy cô cho các em nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng vận động các đơn vị, doanh nghiệp tặng áo phao cho các điểm trường có học sinh phải lội sông, suối đến trường. Mong rằng chính quyền địa phương có thêm những giải pháp như trang bị ghe, xây dựng thêm nhà bán trú...để học sinh miền núi không phải lội sông, suối đến trường.

Đinh Thị Hương (TTXVN)
Thầy cô vượt 14 con suối, trôi theo dòng nước để đến trường
Thầy cô vượt 14 con suối, trôi theo dòng nước để đến trường

Con đường đi làm gian khổ nhất hành tinh: Các thầy, cô giáo phải thả trôi mình theo dòng nước chảy xiết để đến được trường học, đem cái chữ đến cho học trò.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN