Lễ hội cầu mùa của đồng bào Sán Chay

Lễ hội cầu mùa là một trong những lễ hội lớn với nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo và truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Nghệ nhân La Như Ý, thầy cúng thực hiện nghi lễ trong lễ hội cầu mùa cho biết, đồng bào dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên thường tổ chức Lễ hội cầu mùa vào trước hoặc sau Tết Nguyên Đán hàng năm. Vào ngày tổ chức lễ hội cầu mùa, bà con trong làng chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như thịt gà, thịt lợn, chuẩn bị đèn nến và các lễ vật khác. Lễ vật chính trong lễ hội cầu mùa gồm có thủ lợn, đuôi lợn, chân giò, có mâm xôi, con gà, quả trứng, có các loại bánh do bà con tự làm, hoa quả, đèn, nến, 2 cây nêu để 2 bên…

Đồng bào dân tộc Sán Chay tổ chức Cúng cầu mùa.

Thầy cúng La Như Ý cho biết, với đồng bào Sán Chay, đồ vật không thể thiếu trong khi làm lễ là những bức tranh cổ đi kèm. Một bộ tranh cổ đầy đủ của các thầy cúng gồm có 28 tờ tranh, từ tranh Ngọc Hoàng, tranh chiếu mệnh… mỗi bức tranh được vẽ với những hình ảnh khác nhau, và được dùng trong những dịp khác nhau. Ví dụ, tranh dùng trong lễ cúng người chết, tranh dùng trong lễ cúng cấp sắc, tranh dùng trong lễ cầu mùa…

Bên cạnh các bức tranh, những đồ vật cần có trong lễ cúng cầu mùa là một thanh kiếm (hoặc đao), tượng trưng cho những dụng cụ làm đất trồng trọt… Chiếc trống đất được làm từ vỏ cây, trong khi thầy cúng làm lễ cúng xin trời đất tạo mưa thuận gió hòa, thì tiếng vang từ chiếc trống đất được coi như là chiếc cầu nối trời đất, âm dương, gửi gắm và truyền tải ước vọng của bà con đến các thần linh. Tiếng trống vang thấu lên trời, để Ngọc Hoàng giao cho Thổ công có trách nhiệm phù hộ dân nơi đó 4 mùa bình an.


Điệu múa tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay.

Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chủ lễ trong trang phục lễ tế bắt đầu hành lễ cầu xin các thần linh phù hộ cho dân làng quanh năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, làng xóm yên vui. Mọi người trong làng luôn mạnh khỏe, có cuộc sống ấm no…

Thầy cúng La Như Ý khấn xin thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh.

Sau khi thầy cúng thực hiện xong nghi lễ quan trọng, bà con trong làng cùng nhau múa điệu múa Tắc Xình, một điệu múa độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Chay Múa Tắc Xình trong Lễ hội cầu mùa gồm 9 điệu cơ bản như điệu thăm đường, điệu lập làng, điệu bắt quyết, điệu đánh mài dao, điệu phát nương dọn rẫy, điệu tra mố, điệu hái lượm, điệu mừng mùa vụ, điệu chim câu...

Lễ hội cầu mùa và điệu múa tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động...
Phương Hà
Lễ hội cầu mùa của đồng bào Nùng
Lễ hội cầu mùa của đồng bào Nùng

Lễ hội Cầu mùa (Oóc Pò) là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Nùng, được tổ chức với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, làm ăn no đủ, người người khỏe mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN