Mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của người Mông huyện Tam Đường, Lai Châu

Xuất phát điểm là hộ nghèo, cuộc sống rất nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực không mệt mỏi và với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Hàng A Cơ (sinh năm 1973), dân tộc Mông ở bản Nậm Pha, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi.

Chú thích ảnh
Diện tích 3.000 m2 nuôi cá của gia đình anh Hàng A Cơ.

Đến nay, với thu nhập trung bình đạt trên 500 triệu đồng/năm, gia đình anh không những thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ khá giả của xã.

Sau khi lập gia đình, năm 2003, vợ chồng anh Cơ tách hộ ra ở riêng, tài sản được bố mẹ chia cho là một sào ruộng và một ít con giống. Cùng với việc chăm sóc cho đàn gà phát triển tốt, anh chị khai hoang thêm ruộng, nương. Khi đàn gà lớn, gia đình bán để mua thêm giống về nuôi, cứ mỗi lần lại nuôi thêm một ít. Khi có thêm tiền, anh mua lợn, mua thêm vịt, gà nuôi nhiều hơn. Hai vợ chồng khai hoang thêm được 5 sào ruộng, nương để trồng ngô, sắn, lúa vừa làm lương thực cho cả nhà, vừa là nguồn thức ăn để chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn tìm tòi và trồng cây thảo quả dưới tán rừng, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao.

Anh Hàng A Cơ chia sẻ: Năm 2007, anh cùng với hai hộ trong bản sau khi tìm hiểu thấy ở một số nơi người dân trồng thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập rất cao nên đã bàn bạc mua giống về trồng. Lúc đầu, mỗi gia đình mua 10 kg hạt về để trồng được khoảng 300 gốc. Vừa trồng, vừa tự tìm tòi rồi hỏi những hộ đã trồng về cách chăm sóc thảo quả. Thảo quả dễ trồng và cũng không kén việc chăm sóc nên khi cây đã mọc, chỉ cần chú ý làm cỏ, vun xới trong 3 năm đầu sau đó thu hoạch được. Thấy cây thảo quả dễ trồng, dễ chăm sóc và cho nguồn thu ổn định, vợ chồng anh tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích. Chỉ sau 3 năm, gia đình anh đã mở rộng diện tích thảo quả lên khoảng 5 ha với 6.000 gốc, thu nhập hàng năm từ thảo quả đạt 200 – 300 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Anh Hàng A Cơ cho cá ăn tại khu ao nuôi của gia đình.

Cùng với trồng cây thảo quả dưới tán rừng, năm 2009, anh A Cơ đầu tư thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng. Anh thuê máy xúc đào thêm 3 ao thả cá với tổng diện tích gần 3.000m2 với các loại cá trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính; mua thêm vịt, gà và 4 con trâu. Quá trình chăn nuôi của anh khá thuận lợi vì anh được cán bộ khuyến nông huyện tư vấn chọn con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Bản thân anh luôn bám sát ruộng vườn, ao cá để kiểm tra, khi có bất thường sẽ nhờ cán bộ hướng dẫn.

Tính tổng thu nhập từ ao cá, chăn nuôi và từ trồng thảo quả dưới tán rừng, mỗi năm gia đình anh Hàng A Cơ đạt trên 500 triệu đồng. Gia đình anh là hộ có thu nhập khá trong xã, anh dựng được nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Các con anh được học hành đầy đủ, hiện anh có 3 người con đang theo học Đại học và Cao đẳng tại Hà Nội.

Không chỉ làm kinh tế gia đình, mỗi năm gia đình anh Hàng A Cơ còn tạo việc làm theo mùa vụ cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày. Với những gia đình khó khăn khi có nhu cầu, anh Hàng A Cơ hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn cách làm kinh tế.

Ông Vàng Páo Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há đánh giá, anh Hàng A Cơ là một người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thực hiện cái mới. Anh Hàng A Cơ nhiều năm đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi".

Bài và ảnh: Công Tuyên (TTXVN)
Người cao tuổi làm kinh tế giỏi: Còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến
Người cao tuổi làm kinh tế giỏi: Còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến

Người cao tuổi là nguồn lực quý, là những "thư viện sống" trong nhiều lĩnh vực; luôn có nguyện vọng tiếp tục được làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Điểm nổi bật của những người cao tuổi vẫn lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN