Nhân rộng mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer

Năm 2016, UBND huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo thành lập mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer tại ấp Giồng lớn A, xã Đại An.

Sau gần 3 năm thực hiện, mô hình được nhân rộng ra toàn huyện với 63 tổ, 1.235 hộ thành viên. Hầu hết các tổ đều hoạt động hiệu quả, phát huy được tinh thần tương trợ, giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật để cải thiện kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.

Ông Thạch Long - Bí thư Chi bộ ấp Giồng Lớn A, xã Đại An cho biết mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer của ấp được thành lập đầu tiên với 30 thành viên, trong đó có 4 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo và 2 hộ trung bình.

Với tinh thần tự nguyện, các thành viên của tổ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, qua đó kịp thời phản ánh, kiến nghị đến xã, huyện trong thực hiện các chính sách, hỗ trợ vốn cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với điều kiện sản xuất của từng gia đình. Với phương thức hoạt động như trên chỉ sau 2 năm 4 hộ nghèo trong tổ đã thoát nghèo, có hộ vươn lên khá.

Điển hình như gia đình anh Tăng Trãi, có diện tích đất sản xuất 0,2 ha. Anh Trãi dành 0,13 ha trồng khoai môn, diện tích còn lại trồng cỏ nuôi bò. Nhờ được hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng. Anh được xã cho vay vốn mua 1 con bò nuôi sinh sản, đến nay đàn bò của gia đình đã có được 3 con.

Ông Đỗ Văn Dưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An nhấn mạnh tính hiệu quả thiết thực của mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer là giúp người nghèo nâng cao ý thức vượt khó. Người nghèo được tận mắt nhìn, được hướng dẫn phương kế làm ăn, kinh nghiệm sản xuất từ các tấm gương thoát nghèo trong tổ để học tập kinh nghiệm và phấn đấu. Năm 2018, xã tiếp tục phát triển và nhân rộng thêm 3 Tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer ở ấp Cây Da, Giồng Đình và Xà Lôn.

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú đánh giá: Mô hình Tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo tại cơ sở. Tỷ lệ giảm hộ nghèo trong tổ cao hơn rất nhiều so với bên ngoài. Qua khảo sát ở 63 tổ đã có 54 hộ đã thoát nghèo, 243 hộ cận nghèo vươn lên mức sống trung bình.

UBND huyện Trà Cú đang chỉ đạo các xã có nhiều hộ Khmer nghèo tiếp tục vận động thành lập mô hình này. Mục tiêu của UBND huyện đề ra phấn đấu thành lập mới thêm 50 Tổ tự quản giảm nghèo trong đồng bào Khmer, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer của huyện còn 4% trong năm 2018.

Phúc Sơn (TTXVN)
Bảo tồn kho tàng dân ca của đồng bào Khmer Nam Bộ
Bảo tồn kho tàng dân ca của đồng bào Khmer Nam Bộ

Đồng bào Khmer Nam Bộ có một kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc phong phú và độc đáo, được lưu truyền đến nay với nhiều loại hình: Âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc…, trong đó có kho tàng những làn điệu dân ca. Dân ca của người Khmer rất phong phú và ăn sâu vào đời sống của mỗi người Khmer, trong sinh hoạt lễ hội, ở từng phum sóc từ bao đời nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN