Những mô hình thoát nghèo ở vùng biên 

Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách, nhất là hộ bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã và đang từng bước thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Hộ gia đình người dân tộc thiểu số S'tiêng tại xã biên giới Bù Gia Mập phát triển chăn nuôi bò từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Nguồn vốn đã giúp cho các đối tượng thuộc diện vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn vùng biên.

Ghi nhận tại xã biên giới Bù Gia Mập (huyên Bù Gia Mập), địa phương có tổng dân số toàn xã 1.579 hộ; trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73%. Số tiền của Ngân hàng Chính sách đến nay đã tạo nên đòn bẩy phát triển kinh tế, mang niềm vui cho nhiều hộ gia đình khi có cuộc sống ổn định hơn. Từ nguồn vốn đó, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vào cây điều, hồ tiêu, cà phê, nuôi bò, trâu… mang lại hiệu quả hơn trước. 

Hộ gia đình bà Điểu Thị Ngơu, dân tộc S'tiêng ở thôn Bù Lư thuộc hộ gia đình nghèo. Gia đình rất khó khăn, hàng ngày phải đi làm thuê, cuốc mướn để có tiền mua gạo, lo sắm đồ cho con đến trường, nhiều lúc không đủ ăn. Năm 2016, gia đình bà được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập cho vay 40 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất. Gia đình bà đã mua 3 con bò sinh sản. Sau 4 năm chăm sóc, đến nay có 5 con đang nuôi. 

Cũng trong thời gian này, gia đình bà đã bán 8 con bò với số tiền gần 90 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, năm 2019, gia đình bà còn hỗ trợ 2 con bò cho người thân để phát triển kinh tế. 

Bà Điểu Thị Ngơu phấn khởi cho biết: Trước kia gia đình rất khó khăn nhưng kể từ khi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiền mua bò để từ đó nhân giống lên thì gia đình đã có đồng ra đồng vào, đủ trang trải và lo cho các con ăn học.  

Ngoài ra, từ chăn nuôi bò, gia đình còn có thêm phân chuồng để bón cho cây trồng. Từ đó, cây cà phê, điều, tiêu trên diện tích đất ít ỏi khoảng 0,8 ha càng xanh tốt, cho hiệu quả cao. Hơn nữa, nguồn phân chuồng gia đình còn mang lại thu nhập thêm khi bán cho người dân có nhu cầu mua. Đến nay cuộc sống gia đình vợ chồng bà Ngơu đã ổn định hơn, 3 đứa con yên tâm bám trường bám lớp không lo bỏ học như trước. 

Còn hộ gia đình ông Điểu Vy Rút (56 tuổi) cũng ở thôn Bù Lư được nhiều người dân trong vùng biết đến từ việc sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội nay cuộc sống đã khá giả. 

Trước năm 2014, gia đình ông có 8 khẩu ăn no đã khó nói chi làm giàu. Sau năm 2014, gia đình ông Rút quyết định vay 12 triệu đồng nguồn vốn chương trình nước sạch. Từ vốn đó gia đình nhanh chóng đào giếng, mua máy bơm để có nước tưới tiêu cho rẫy cà phê, hồ tiêu. Mặt khác, gia đình tập trung nuôi bò, trâu nên có nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng. 

Đặc biệt, nguồn nước giếng khoan giúp gia đình không lo thiếu nước để tưới tiêu cho cây trồng, nước uống cho vật nuôi. Ông Điểu Vy Rút chia sẻ: “Năm 2014 tôi được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội về nước sạch vệ sinh môi trường. Đầu tiên gia đình gia đình đào giếng để có nước tưới tiêu, xây nhà tắm, bồn cầu, bồn nước để sinh hoạt. Sau đó tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để kinh doanh sản xuất đầu tư trồng tiêu, điều, từ đó gia đình trở nên khá giả”. 

Nhờ mạnh dạn tiếp tục đầu tư cho cây cà phê, điều, tiêu từ vốn vay ưu đãi nên kinh tế gia đình ông Rút ngày càng ổn định, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. “Vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội bây giờ cũng đơn giản lắm, tất cả mọi giấy tờ, thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc hàng tháng… đều các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn rất nhiệt tình, chi tiết ở địa phương và nhận vốn tại xã”, ông Vy Rút nói thêm. 

Đa số các hộ vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,… đều sử dụng vào mục đích để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây, mua giống, phân bón. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, các phong trào phát triển sản xuất của hộ gia đình không ngừng lan rộng. Nhờ đó, đã có nhiều hộ ở Bù Gia Mập không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như mô hình nuôi trâu, bò sinh sản, trồng điều, hồ tiêu. 

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa cho biết: “Xã Bù Gia Mập là một trong những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nên việc hướng dẫn chủ trương cho bà con cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi được tăng cường tập huấn, cầm tay chỉ việc nên bà con ở đây hiểu rõ về nguồn vốn sử dụng vào mục đích gì, lợi ích việc gửi tiền về ngân hàng chính sách để sau này có khoản đóng lãi, trả nợ sẽ không bị khó khăn. Đến nay bà con ở đây tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ngày càng có hiệu quả”. 

Chú thích ảnh
 Người dân tộc S'tiêng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập.

Theo Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn, việc phát huy hiệu quả từ các nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã được bà con thực hiện rất tốt. Chẳng hạn như vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường đảm bảo đúng công trình trong cam kết nguồn vốn, vốn việc làm cũng phát huy hiệu quả, vốn sản xuất kinh doanh cũng đảm bảo phát huy tính năng của nguồn vốn... 

Riêng với vốn xóa đói, giảm nghèo cho vay những hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo cơ bản nguồn vốn này được phát huy từ việc đầu tư chăm sóc cây trồng, chăn nuôi. Chính vì vậy, trong những năm vừa qua việc xóa hộ nghèo cũng được đảm bảo. 

Thống kê của xã Bù Gia Mập cho thấy, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt 24,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2017 và tăng 0,8 triệu đồng so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã đề ra. Đây là tín hiệu đáng mừng vì nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết vận dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Bài và ảnh: K GỬI H (TTXVN)
Người Bahnar ứng dụng công nghệ trên cánh đồng mẫu lớn để thoát nghèo
Người Bahnar ứng dụng công nghệ trên cánh đồng mẫu lớn để thoát nghèo

Để thay đổi tư duy sản xuất cũng như nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số trên địa bàn, chính quyền tỉnh Gia Lai đang hướng người đân đến những mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất khép kín cho năng suất, sản lượng cây trồng cao hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN