Phục dựng Lễ hội truyền thống Aza Koonh của đồng bào Pa Cô

Ngày 20/12, tại xã Hồng Vân, huyện miền núi A Lưới, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới, tổ chức phục dựng Lễ hội truyền thống Aza Koonh của đồng bào Pa Cô.

Chú thích ảnh
Các dòng họ trong bản A Năm mang lễ vật đến cúng Giàng tại Nhà Văn hóa thôn.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Lễ hội Aza là một trong những nghi lễ truyền thống, Tết cổ truyền có từ thời xa xưa của đồng bào Pa Cô - Tà Ôi, được tổ chức nhằm tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, chuẩn bị đón một vụ mùa mới. Tết Aza thường được bắt đầu từ mùng 6/11 âm lịch và kéo dài đến hết ngày 24/12 âm lịch. Mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian này để tổ chức lễ hội Aza. 

Lễ hội Aza của đồng bào Pa Cô ở huyện A Lưới có hai loại gồm: Aza Kan và Aza Koonh. Aza Kan được tổ chức hàng năm và Aza Koonh được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, do vậy Lễ hội Aza Kan thường được tổ chức đơn giản và ít nghi lễ hơn so với Lễ hội Aza Koonh.

Lễ hội Aza Koonh có nhiều nghi lễ gồm: Lễ tẩy rửa, lễ xua đuổi các linh hồn dữ, lễ chuẩn bị, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho giàng xứ, lễ cúng những người đã khuất; lễ cúng các vị thần che chở đi buôn bán; lễ cúng giàng Azel; lễ cúng vị thần ban tặng con người; lễ ăn cơm mới; lễ giao mâm cỗ và nghi lễ tiễn khách. Lễ vật để cúng Lễ hội Aza là cơm trắng, xôi, bánh, gà, heo, vịt, dê, hạt giống cây trồng, "tâng họt"- một loại hoa làm từ tre và vải dzèng. 

Chú thích ảnh
Lễ cúng Giàng Xứ tại Nhà Văn hóa thôn A Năm. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Ngày lễ hội, khi già làng đánh kẻng để báo hiệu, các hộ dân và dòng họ trong làng sẽ cúng tại nhà, sau đó đưa lễ vật đến nhà rông của làng để bắt đầu vào lễ cúng chính thức của Lễ hội Aza Koonh. Theo già làng Quỳnh Quyền, làng A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới: Aza Koonh là lễ hội truyền thống quan trọng của người Pa Cô nói chung và đồng bào thiểu số ở huyện miền núi A Lưới nói riêng. Đây là dịp để thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây; đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau. Đây cũng là dịp để khẳng định tình cảm gắn bó, thiêng liêng của bà con trong làng. 

Trải qua hàng nghìn năm, Lễ hội Aza của đồng bào Pa Cô có nguy cơ mai một. Trước thực trạng đó, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cùng với UBND huyện A Lưới thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Aza" từ tháng 5 - 12/2018. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cho biết: Lễ hội Aza của người Pa Cô - Tà Ôi là loại hình văn hóa đặc sắc. Trong quá trình khảo sát, có nhiều nghi lễ, điệu múa đã bị mai một. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã thu thập, bổ sung nguồn tư liệu về các điệu múa, điệu hát và nghi lễ trong dân gian; đồng thời khuyến khích các già làng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Mục tiêu của địa phương là từng bước hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Aza trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Việc phục dựng và bảo tồn nguyên bản Lễ hội Aza sẽ làm sống lại bản sắc đồng bào A Lưới nói riêng và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc.

Tường Vi (TTXVN)
Phục dựng Nghi lễ mừng Nhà Rông mới
Phục dựng Nghi lễ mừng Nhà Rông mới

Chiều 2/12, ngày cuối của Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, Ban tổ chức đã phục dựng Nghi lễ mừng Nhà Rông mới tại Nhà Rông làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku (Gia Lai).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN