Rộn rã Tết Hoa của người Cống ở Điện Biên

Trong những ngày này, đồng bào dân tộc Cống, một dân tộc đặc biệt ít người của cả nước đang rộn rã đón Tết hoa “Mền loóng phạt ái”, tết cổ truyền của dân tộc mình sau nhiều năm không còn lưu giữ được bản sắc văn hóa.


Hoa Phạt loóng (mào gà) là thứ không thể thiếu được trong ngày tết "Mền loóng phạt ái" của người Cống.

Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Cống hiện chỉ còn khoảng 1.000 người, sinh sống trong 4 bản rải rác tại các huyện Điện Biên, Mường Nhé và Nậm Pồ.

Vượt qua con đường quanh co băng núi dài trên 150 km về phía Bắc, chúng tôi đến bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) giữa mùa hoa Phạt Loóng nở rộ trên những nương lúa vừa thu hoạch. Tại ngôi bản có trên 60 hộ dân người Cống sinh sống này, bà con đang nô nức chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc mình. Đây là cái tết đầu tiên bà con sau hàng chục năm bị “thất truyền”, nay mới quay trở lại với phong tục tập quán của dân tộc mình.

Ngay từ sáng sớm, bà con trong bản đã náo nức chuẩn bị cho ngày tết rất riêng của mình. Mỗi gia đình đều cử người đi lên các nương lúa cách nhà đến vài giờ đi bộ để hái hoa Phạt loóng (hoa mào gà) để về làm đồ cúng, làm vòng hoa đội đầu cho phụ nữ và trẻ nhỏ. Đây là nghi thức không thể thiếu được trong những ngày này với quan niệm phụ nữ và trẻ em là những người yếu thế, cần dùng loại hoa thiêng này để giữ hồn cho khỏi bị đau ốm, xui xẻo.

Tại nhà thầy cúng Lùng Văn Bắt (79 tuổi), 1 nghi lễ trang trọng đang diễn ra trong buổi chiều cuối năm cũ với nghi lễ gọi hồn, mời ông bà, tổ tiên về ăn tết. Đồ cúng gồm 1 cây nứa tượng trưng cho cầu nối hai thế giới âm dương, trên thân cây có trang trí những bông hoa Phạt Loóng màu đỏ và vàng, được coi là con đường để linh hồn tổ tiên đi về nơi thờ cúng. Một số đồ cúng khác như ống tre, hòn đá kê bếp, bát gạo, vòng bạc, trứng gà, nến…. Những người phục vụ cắt tiết gà, chọc tiết 1 con lợn gần 70 kg ngay trên sàn nhà nơi đặt mâm cúng cho lễ cúng sống. Tiếp sau đó là lễ cúng chín với khoai sọ, thịt lợn đủ các bộ phận đã luộc chín, canh cá nấu bằng ống tre, rượu cần, hành tỏi, búi rơm…. Các đồ cúng này là do mỗi gia đình trong bản mang đến đóng góp để thầy làm lễ. Thầy cúng làm lễ chung cho cả bản với bài khấn có nội dung: “Một năm đã cũ đã qua rồi, năm mới đã đến, chúng con xin tổ tiên và các thần linh cho phép tổ chức Tết hoa, nhảy múa vui chơi để sau tết, con cháu đều mạnh khỏe, không ốm đau, làm ruộng thóc lúa đầy đồng, trâu bò, lợn gà đầy rừng; con ma ở trong rừng lủi đi mà không bay vào nhà làm hại mọi người…”

Trong khi thầy cúng của bản đang tổ chức lễ cúng cuối năm, thì tại các gia đình cũng đang rộn rã mổ lợn, gà, đồ xôi, làm bánh cho mọi người ăn tết. Tại mỗi gian thờ cúng của từng gia đình, các ông chủ nhà cũng làm lễ cúng riêng cho mỗi gia đình; báo cáo kết quả 1 năm làm ăn, cầu khấn cho năm mới may mắn và mời tổ tiên về ăn tết. Trong buổi tối hôm đó, cả bản đem thức ăn đến góp và ăn uống tại nhà thầy cúng với một không khí đoàn kết của cộng đồng.

Các thầy cúng làm lễ trong ngày tết Mền loóng phạt ái của người Cống.

Sang ngày đầu tiên của năm mới, cả bản lại tụ tập trên khoảng sân lớn giữa bản để tham gia nhảy múa cùng các trò chơi dân gian như đánh cù, bắn súng phốc, đẩy gậy, kéo co… Tại vị trí trang trọng nhất, thấy cúng và các cụ già trong bản ngồi bên mâm lễ vật, tượng trưng cho tổ tiên hiện về, uống rượu say ngất ngư và nhảy múa cùng bà con trong bản. Sau đó tất cả các gia đình lại góp cỗ, cùng tổ chức ăn uống vui vẻ trong suốt cả ngày.

Trưởng bản Mào Văn Phiến cho biết: đã từ lâu lắm rồi, khoảng những năm 1967-1968 trở về đây, người Cống ở địa phương này không còn ăn tết theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc nữa. Theo quan niệm của người Cống, cứ trong tháng 10 âm lịch, sau khi thu hoạch mùa màng xong, mỗi nhà tự ăn tết theo điều kiện của gia đình mà không có ngày cụ thể. Nhà giỗ, có việc vào thời điểm đó thì hoãn đến ngày khác nên đã không còn không khí cộng đồng. Do ảnh hưởng của xã hội tác động nên phần lớn ăn tết theo Tết nguyên đán cùng cả nước. Năm nay được hưởng Dự án bảo tồn, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống của Chính phủ, nên bản mới tổ chức đón tết chung. Cả tỉnh chỉ có 4 bản người Cống, mỗi bản ở cách xa nhau hàng trăm km mà năm nay các bản kia cũng cử đại diện đến đón tết cùng bản Lả Chà nên đồng bào trong bản vui lắm.

Theo dự án đầu tư của Chính phủ đối với các dân tộc đặc biệt ít người, bản Lả Chà đã đổi thay rất nhiều: đường ô tô dài gần 10km và cây cầu treo bắc qua suối vừa hoàn thành trong năm nay nối Quốc lộ 4H với bản. Từ nhiều năm qua, tại bản đã có trường học được xây dựng khang trang với đủ các lớp từ mầm non đến tiều học. Hầu hết các hộ trong bản đã làm được nhà sàn khang trang, có các vật dụng, phương tiện sinh hoạt tối thiểu như ti vi, xe máy. Ngoài lương thực tự canh tác được, hàng năm mỗi hộ còn được nhận khoản tiền dịch vụ môi trường rừng với khoảng gần 15 triệu đồng, nên cuộc sống đã đỡ khó khăn rất nhiều. Tết hoa “Mền loóng phạt ái” của người Cống hiện đang được tỉnh Điện Biên lưu giữ, phục dựng để dân tộc đặc biệt ít người này bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của riêng mình, trong ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng
Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng
Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng

Trang phục là nét đặc trưng, tín hiệu để nhận diện các dân tộc. Với phụ nữ dân tộc Thái đen, khăn Piêu là một trong những nét đặc sắc, tạo ra sự khác biệt với tất cả các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN