Truyền thông dân số góp phần mang no ấm tới bản làng

Trong 5 năm qua, mô hình giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết và sinh con thứ ba do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu triển khai ở các xã có tỷ lệ cao, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.


Vai trò của trưởng bản


Chúng tôi tới tham dự một buổi truyền thông dân số ở bản Tía Cu Y, xã Sà Dề Phìn, huyện biên giới Sìn Hồ. Mới cuối giờ chiều, hàng chục người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đã tập trung ở nhà cộng tác viên dân số bản để nghe cán bộ dân số tư vấn. Đa số người dân đến đây chủ yếu là thanh niên trẻ, đối tượng chính của truyền thông dân số.

 

Cán bộ y tế xã tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình.


Đến tham gia buổi tuyên truyền, bà con được tư vấn về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và sinh con thứ ba, được tư vấn lựa chọn, cung cấp thông tin đầy đủ các biện pháp tránh thai phù hợp. Các tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số cũng đưa ra những lời khuyên giúp bà con những quyết định đúng đắn khi lựa chọn biện pháp tránh thai. Cuối buổi tuyên truyền, người dân sẽ đăng ký với tổ tư vấn và thành viên trong tổ sẽ trực tiếp đến tận từng gia đình để giúp đỡ.


Anh Giàng A Thành (dân tộc Mông, bản Tía Cu Y, xã Sà Dề Phìn), mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có hai con và thuộc đối tượng tảo hôn trong bản. Hiện tại, Giàng A Thành chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn, do đó giấy khai sinh cho các con cũng chưa có. Khi đoàn truyền thông đến bản tuyên truyền, Giàng A Thành đã có thay đổi trong suy nghĩ. Giàng A Thành cho biết, sẽ không sinh con thứ ba nữa vì hiện tại gia đình đã quá vất vả rồi. Đợt này về Thành sẽ thực hiện biện pháp tránh thai để không sinh thêm con, giảm bớt đói nghèo.

Để bà con đến tham dự các buổi truyền thông dân số, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Sìn Hồ đã kết hợp với những buổi họp bản hay đợt chi trả phí dịch vụ môi trường rừng.


Thực tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, trưởng bản là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả và thành công của truyền thông dân số. Anh Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Sìn Hồ cho rằng, nếu không có tiếng nói của trưởng bản thì bà con không tham gia. Điều này đã được minh chứng ở xã Sà Dề Phìn. Theo lãnh đạo xã Sà Dề Phìn, nhờ có trưởng bản Tía Cu Y, ông Giàng A Thắng, tích cực vận động bà con tham gia các buổi tuyên truyền về dân số, mà đợt tuyên truyền của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Sìn Hồ triển khai ở bản lần này đạt hiệu quả cao.


Hành trình còn dài


Từ đầu năm đến nay, xã Sà Dề Phìn, huyện biên giới Sìn Hồ có hơn 40 trẻ được sinh ra, thì gần 20 trẻ là con thứ ba. Bà Tẩn Mí San, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Sìn Hồ nhận định, số lượng người dân đến tham gia nghe và xem truyền thông dân số khá đông, qua đây cho thấy họ đã quan tâm hơn đến công tác dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn tăng theo từng năm và con số thực tế có thể còn cao hơn. Hoạt động truyền thông dân số, nhất là ở miền núi khó khăn, cần phải mất nhiều thời gian để bà con từ từ thay đổi nhận thức. Bên cạnh đó, một yếu tố góp phần tạo hiệu quả truyền thông là đội ngũ cộng tác viên dân số bản, xã. Nhưng hiện đội ngũ này phải kiêm nhiệm nhiều công việc với thù lao thấp, nên ảnh hưởng đến chất lượng công việc.


Một khó khăn lớn là thiếu kinh phí để duy trì hoạt động truyền thông, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, có thôn, bản cách xa trung tâm xã hàng chục cây số... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền. Ở một số bản người dân đã thống nhất xây dựng được quy ước, hương ước chung quy định xử phạt những gia đình sinh con thứ ba bằng cách nộp phạt thóc, gạo hay sẽ cắt giảm quyền lợi khi Nhà nước hỗ trợ vật tư, nông cụ.

 

Bài và ảnh:Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN