Xuân về với đồng bào dân tộc Cống nơi cực Tây Tổ quốc

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cuộc sống của cộng đồng dân tộc Cống có nhiều đổi thay. Năm nay, người Cống ở bản Púng Bon, Điện Biên đón Tết cũng ấm áp, vui vẻ hơn.

Đồng bào dân tộc Cống cùng tham gia vòng xoè thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng .Ảnh : Anh Tuấn - TTXVN.


Vượt hàng chục km đường núi dốc, dọc theo dòng suối Nậm Núa, chúng tôi đã đến với bản Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) của đồng bào dân tộc Cống. Trên cây cầu treo dài hàng trăm mét bắc qua dòng Nậm Núa - lối đi độc đạo vào trung tâm bản Púng Bon, sắc Xuân đã ngập tràn ở vùng đất biên giới giáp nước bạn Lào này.

Từ lối rẽ đi về bản Púng Bon trên con đường ra bản biên giới Huổi Moi, giáp nước bạn Lào, nhìn về phía bạt ngàn rừng phía trên bản làng của người Cống, những mảng rừng điểm đầy sắc trắng tinh khiết của hoa mận đang nở. Tiếng hót của những loài chim đi ăn sớm cứ lanh lảnh đâu đây nghe thật gần. Rộn rã nhất vẫn là khung cảnh tại bến nước của bản: Những chiếc thuyền độc mộc đã được người dân kéo lên, nằm gối bãi; nhiều phụ nữ đang giặt giũ, rửa lá rong. Bọn trẻ theo mẹ, theo chị ra bến vui vẻ nô đùa, tiếng cười vang vọng khắp lòng suối...

Dân tộc Cống là 1 trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hiện dân tộc Cống có gần 200 hộ với trên 900 nhân khẩu, cư trú tại địa bàn 4 bản của 2 huyện Điện Biên và Mường Nhé - cực Tây Tổ quốc.

Vào trung tâm bản, không khí chuẩn bị đón Tết của người dân nơi đậy thật rộn ràng. Khi mà giờ khắc đón năm mới chỉ còn tính bằng giờ, người người, nhà nhà nơi của bản dân tộc Cống này dường như chạy đua với thời gian, ai cũng tất bật, vội vàng trong niềm phấn khởi.

Hình ảnh những phụ nữ ngồi giặt giũ quần áo chăn màn bên hiên. Những người đàn ông tất bật với công việc sửa sang lại thưng ván nhà sàn, chẻ củi xếp ngay ngắn thành đống to ngay đầu hay gần chái bếp.

Thanh niên tụm năm, tụm bảy lần lượt đi đến nhà nhau để thăm hỏi, vui đùa. Trong những bộ quần áo mới, lũ trẻ tung tăng thích thú, vui đùa với những chiếc bóng bay hình thù chú lợn, con vịt. Tiếng nhạc Xuân từ những chiếc loa, đài vang rộn khắp bản. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười, những lời chúc mừng của người dân ở một vài ngôi nhà trong bữa cơm có khách, họ hàng ở xa đến chung vui cũng vang lên.

Độc đáo và mang hình ảnh đặc trưng cho không khí Tết nơi đây, hình ảnh những nồi bánh bánh chưng nấu muộn, củi đun đỏ rực của bà con dân tộc Cống.

“Bản Púng Pon chúng tôi đã nhiều năm nay ăn Tết trùng với nguời Kinh rồi. Ngày Tết, dân tộc Cống chúng tôi cũng dùng lá rong và nếp nương để gói bánh chưng dùng để cúng tổ tiên và ăn trong và sau dịp Tết. Bánh chưng của người Cống không giống bánh chưng của người Kinh. Hình dáng bánh chưng của chúng tôi có hình nón, dài và uốn hơi cong như sừng con trâu, con bò”, ông Nạ Văn Súc, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Pa Thơm cho biết.

Trở lại Púng Bon lần này, chúng tôi đã nhận ra rất nhiều trong sự đổi thay của bản làng. Một vài ngôi nhà sàn bằng gỗ đã dựng lên, nhiều nhà đã cơi nới để mở rộng thêm diện tích, nhiều nhà đã lát gạch hay đổ láng ximăng khuôn viên sân nhà. Họ làm thế để có nơi phơi nông sản lúa, ngô, sắn trong những vụ thu hoạch. Trong những gian bếp, nhiều những xâu thịt được treo, hong khô phục vụ những ngày Tết.

Chị Quàng Thị Chung (sinh năm 1983) quê gốc ở xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, là thế hệ “dâu trẻ” của bản Púng Bon, cho biết: “Tuy cuộc sống gia đình còn vất vả, kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng ngày Tết, gia đình tôi cũng đã mua sắm được những thứ cần thiết để phục vụ cho những ngày Tết. Tối 30, gia đình mình sẽ làm thịt gà để cúng tổ tiên, cầu mong sang năm mới gia đình chăn nuôi được nhiều gà, vịt, làm được nhiều lúa, ngô”.

Nhà Trưởng bản Lò Văn Tha những ngày cuối của năm cũ nhộn nhịp người ra, vào thăm hỏi, chúc mừng. Với ông Tha, niềm vui đón Tết năm nay là sau một năm lao động vất vả, cần mẫn, gia đình ông đã sửa sang lại được mái nhà của 3 thế hệ chung sống khang trang hơn. Ông đã chuẩn bị được những thực phẩm đủ cho người dân trong bản đến chơi, chúc Tết. Khuôn viên xung quanh nhà ông cũng đã được đổ nền, láng ximăng sạch sẽ... Nhưng niềm vui lớn hơn cả với ông trong dịp Tết này bởi ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm công việc mà mình đảm nhận. Trong bản, ai cũng hiểu và coi ông là trung tâm của sự cố kết cộng đồng, làm thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết của mọi người trong bản.

Xuân đã thật sự về với mọi nhà, mọi người dân tộc Cống ở Púng Pon, già trẻ, gái trai, ai cũng cũng cảm thấy vui vì được đoàn tụ bên gia đình, bè bạn, người thân.

Trưởng bản Lò Văn Tha cho biết: So với nhiều năm trước, đồng bào dân tộc Cống ở bản Púng Bon nay đã đủ ăn, đủ mặc, có nhà kiên cố. Bản đã được dùng điện lưới quốc gia từ năm 2005. Người dân đã biết khai hoang, gieo trồng lúa ruộng, cả bản có gần 10ha lúa nước, trên 20ha lúa nương, gần 10 ha cây ngô, sắn... Bà con còn biết trồng cây ăn quả, rau xanh, chăn nuôi gia súc với trên 100 con; biết đánh bắt cá, tôm ở suối Nậm Núa để cải thiện bữa ăn. Cuộc sống hôm nay của chúng tôi không còn lo đói, lo khổ như trước nữa.

Bản làng dân tộc Cống nơi đây đã đổi thay từng ngày. Sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đã tạo cơ sở để người dân nơi đây có thêm động lực vươn lên từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Một mùa Xuân ấm áp đang về với đồng bào dân tộc Cống nơi biên giới Tổ quốc, hứa hẹn cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng no đủ hơn.


Hải An



Phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc thiểu số
Phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc thiểu số

Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn trong những ngày Tết Nguyên đán, du khách sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng những phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN