Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”, tỉnh tiếp nhận, chuyển giao nhiều công nghệ từ nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế SRP trên cánh đồng Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo đó, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản… Cụ thể như dự án ương, nuôi các loại cá biển bằng lồng quy mô công nghiệp tại Phú Quốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Trấn Phú. Dự án quy mô 30 ha khu vực biển, 44 lồng nuôi cá thương phẩm, 14 lồng nuôi cá giống (lồng tròn và vuông chất liệu HDPE, công nghệ Nauy); sản lượng dự kiến 1.500 tấn cá thương phẩm/năm.

Tỉnh đã kêu gọi được 2 dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nước ngoài trên lĩnh vực nuôi biển gồm: Dự án Trung tâm nuôi trồng hải sản xuất khẩu tại huyện đảo Kiên Hải của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mavin Nam Du, tổng mức đầu tư 50 triệu USD, quy mô 1.800 - 2.000 ha khu vực biển, sản lượng 30.000 - 40.000 tấn/năm, thị trường tiêu thụ Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Australia… Dự án đầu tư nuôi cá biển công nghiệp công nghệ cao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thủy sản Australlis Việt Nam, tổng mức đầu tư 25 triệu USD, quy mô 3.150 ha khu vực biển, sản lượng 15.000 tấn cá/năm.

Ngoài ra, tỉnh chuẩn bị tiếp nhận thực hiện dự án “Thí điểm ứng dụng phương pháp giữ độ tươi của cá bằng công nghệ đá sệt và bể cá FRP tại tỉnh Kiên Giang, Việt Nam” từ Nhật Bản do Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Thời gian dự kiến triển khai dự án là 16 tháng, tổng vốn viện trợ không hoàn lại hơn 42 tỷ đồng, góp phần phát triển hạ tầng, gia tăng giá trị sản thủy sản thông qua việc bảo quản chất lượng tốt hơn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, một số quy trình, công nghệ tiên tiến khác đang được áp dụng hiệu quả trên địa bàn tỉnh như: Ứng dụng công nghệ hiện đại để chọn tạo giống lúa ngắn ngày chống chịu mặn, năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương; Phân lập giống gốc và sản xuất phôi các loại nấm có giá trị kinh tế cao; Ứng dụng công nghệ GIS để đánh giá, theo dõi mô hình sản xuất lúa - tôm; Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất…

Chú thích ảnh
Nuôi các lồng bè trên vùng biển An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với địa phương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm số lượng lớn, tập trung, chất lượng đồng đều và đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhất là chú trọng những sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực.

Theo đó, tỉnh triển khai đề án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2030 với các mô hình: Trồng rau thủy canh, rau trong nhà lưới, sản xuất lúa - tôm hữu cơ, nuôi cá lồng biển Nauy, sản xuất lúa thông minh, nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn… Tỉnh xây dựng các mô hình khuyến nông gắn với quy trình sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chứng nhận trên các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh gồm: Mô hình cánh đồng lớn, canh tác lúa tiên tiến, rau thủy canh, hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng khóm (dứa), măng cụt, dừa… đạt chứng nhận từ VietGAP trở lên; các mô hình chăn nuôi lợn đạt chứng nhận VietGAP, nuôi tôm 2 giai đoạn lót bạt đáy, nuôi tôm sú luân canh trồng lúa, nuôi thủy sản nước ngọt với các loài có giá trị kinh tế cao như: Cá hô, chạch bùn, trê vàng… đạt chứng nhận VietGAP.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao chia sẻ: Tỉnh thực hiện các đề tài khoa học công nghệ nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Ứng dụng hệ thống thông tin điện tử - sử dụng mã QR truy xuất sản phẩm bằng smartphone; ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa tiên tiến; ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn trên ao lót bạt, tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP…

Tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… trên các đối tượng cây con chủ lực như: Lúa, khóm, tiêu, tôm sú, sò huyết, các loại cá nuôi lồng bè trên biển, cua biển, vẹm xanh, rau màu… nhằm nâng cao giá trị nông sản, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa xuất khẩu.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho sản lượng gấp từ 5 -10 lần
Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho sản lượng gấp từ 5 -10 lần

Theo Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, mùa vụ nuôi tôm vùng nước mặn và lợ năm 2020 đã cơ bản thu hoạch gần hết diện tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN