'Đòn bẩy' hướng đến giảm nghèo bền vững - Bài cuối: Nắm chắc thời cơ, phục hồi xuất khẩu lao động 

Tác động của dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến công tác xuất khẩu lao động tại Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động đã đào tạo xong nhưng không thể xuất cảnh.

Xác định xuất khẩu lao động không chỉ là cơ hội việc làm, tạo điều kiện để người lao động rèn luyện tác phong, kỹ năng mà mục tiêu lâu dài là hướng giảm nghèo bền vững, tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực thúc đẩy công tác này, nhất là sẵn sàng nguồn nhân lực để phục hồi mạnh mẽ khi thị trường việc làm ở các nước chính thức mở cửa trở lại.

Chú thích ảnh
 Các ứng viên xuất khẩu lao động đang học tập tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. 

Nỗ lực vượt khó 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình xuất khẩu lao động tại Vĩnh Long trong 2 năm qua bị chững lại. Nhiều lao động của tỉnh đã qua đào tạo nhưng không thể xuất cảnh; tâm lý người lao động còn dè chừng, e ngại, lo sợ bị hủy đơn hàng, hoãn thời gian xuất cảnh nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia.

Nếu như năm 2019, tỉnh Vĩnh Long có 1.715 người đi xuất khẩu lao động, năm 2020 chỉ có 815 người, năm 2021 là 516 người. Xác định xuất khẩu lao động là con đường ngắn nhất để thoát nghèo, góp phần giải quyết việc làm, thời gian qua, dù chưa thể đưa người lao động trực tiếp sang các nước nhưng các ngành, địa phương vẫn tập trung tuyên truyền, vận động thanh niên có nhu cầu tích cực rèn luyện, trang bị kỹ năng cần thiết để khi hoạt động xuất khẩu lao động phục hồi có thể đăng ký tham gia.

Tại huyện Tam Bình, 5 năm qua, địa phương đã đưa 919 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng năm 2020, dù ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19 nhưng huyện vẫn nỗ lực đưa được 260 lao động và đầu năm 2021 đưa có 98 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Bình Trần Công Khánh cho biết, huyện tập trung tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ đối thoại với người lao động, người dân nhằm động viên thanh niên có nhu cầu xuất khẩu lao động quyết tâm, tích cực rèn luyện để trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Song song đó, huyện kịp thời triển khai các chính sách vay vốn để người dân yên tâm đăng ký tham gia.

Đặc biệt, huyện phát huy vai trò các thành viên Ban vận động của xã, trưởng ấp, Đoàn Thanh niên… trong việc trực tiếp gặp gỡ gia đình, người lao động để tuyên truyền, định hướng, qua đó tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Địa phương chú trọng giới thiệu các gương điển hình thanh niên xuất khẩu lao động về quê khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tạo động lực cho thanh niên địa phương tích cực tìm hiểu và đăng ký tham gia xuất khẩu lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, tỉnh không trực tiếp đưa người lao động đi nước ngoài nhưng vẫn thực hiện tuyên truyền, khảo sát nhu cầu để dự nguồn cho xuất khẩu lao động.

Ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nghị quyết về hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động giai đoạn 2021-2025 nhằm giải quyết khó khăn cho người lao động về các chi phí để được đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, ngành duy trì kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu lao động tổ chức tuyên truyền và mở cơ sở đào tạo tại các địa phương phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, đại diện Ban Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Esuhai cho biết, Công ty gặp một số khó khăn do tâm lý người lao động e dè về rủi ro do dịch bệnh nên thay đổi quyết định. Công tác tuyên truyền tuyển chọn người lao động khó thực hiện; việc kết nối với đối tác nước ngoài khó khăn... Để khắc phục khó khăn trong thời gian dịch bệnh còn phức tạp, công ty nỗ lực duy trì hoạt động liên kết tuyển sinh, đào tạo với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, công ty và các đơn vị triển khai hoạt động tuyển chọn ứng viên đầu vào, đồng thời chuyển đổi hình thức đào tạo tại trường từ trực tiếp sang trực tuyến kết hợp với trực tiếp, tạo điều kiện cho ứng viên đã trúng tuyển được học tập, rèn luyện, đảm bảo đủ tiêu chuẩn để tham gia xuất khẩu lao động ngay khi thị trường các nước có nhu cầu.

Sẵn sàng nguồn lực tái khởi động

Năm 2022, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đưa 1.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhờ gắn kết trong khâu tư vấn, định hướng, tuyển dụng và đào tạo nên khâu dự nguồn xuất khẩu lao động tại địa phương không bị đứt gãy.

Hiện nay, toàn tỉnh có 500 lao động đã trúng tuyển chờ xuất cảnh tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Song song với đó, các đơn vị, địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại tỉnh đang có bước chuẩn bị sẵn sàng để tái khởi động xuất khẩu lao động.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tham gia lao động ở nước ngoài. Nhà trường và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Esuhai đã liên kết, hợp tác tuyển sinh và đào tạo. Qua đó 180 sinh viên đã xuất cảnh làm việc và hơn 600 sinh viên làm thực tập sinh tại Nhật, góp phần nâng cao kỹ năng, tay nghề và tác phong làm việc cho lực lượng lao động trẻ.

Trong 2 năm qua, khi tình hình dịch bệnh phức tạp, hai đơn vị vẫn có nhiều hình thức đào tạo phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho các ứng viên trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, để khởi động lại công tác xuất khẩu lao động sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh, hai đơn vị đã tổ chức khai giảng Chương trình kỹ sư làm việc Nhật Bản với 64 học viên khóa đầu tiên. Đây dự kiến là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản ngay từ những năm trên giảng đường đại học nhằm hướng tới mục tiêu đến 30 tuổi, các kỹ sư được đào tạo trong khuôn khổ chương trình sẽ là nguồn nhân lực có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà, để đạt mục tiêu phục hồi mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu lao động ngay khi thị trường mở cửa lại, thời gian tới, Sở tập trung kết nối, huy động sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về hiệu quả công tác xuất khẩu lao động.

Tạo điều kiện ban đầu cho người dân tham gia xuất khẩu lao động, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, nắm nhu cầu vay vốn đi lao động ở nước ngoài, từ đó phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu cho tỉnh bố trí, thực hiện giải ngân vốn vay đáp ứng kịp thời nhu cầu của người lao động.

Cùng với đó, Sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... hướng dẫn người lao động thuộc các đối tượng theo quy định được hỗ trợ một số chi phí ban đầu khi tham gia xuất khẩu lao động. Sở phối hợp huy động các nguồn lực, tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết chi phí ban đầu cho một số lao động có hoàn cảnh khó khăn tham gia xuất khẩu lao động.

Chú thích ảnh
Các ứng viên xuất khẩu lao động đang học tập, rèn luyện tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế nhận định, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực (bình quân mỗi năm đưa được từ hơn 500 đến gần 2.000 lao động ra nước ngoài làm việc). Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định và thực hiện giảm nghèo ở địa phương. Nhiều gia đình nhờ vào nguồn thu nhập của con em đi làm việc ở nước ngoài đã xây dựng được nhà cửa khang trang, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình.  

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng, tình hình dịch COVID-19 ở các nước dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng nhân lực là rất lớn. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi các ngành, địa phương trong tỉnh phải chủ động, bắt nhịp kịp thời để đưa xuất khẩu lao động phục hồi mạnh mẽ. Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động, tạo sự hấp dẫn và yên tâm để thu hút lực lượng trẻ đăng ký tham gia. Về lâu dài, các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, tác phong tốt, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ nhằm tạo nguồn xuất khẩu lao động hàng năm; tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp sử dụng lao động với cơ sở đào tạo nghề để có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu mới về việc làm của các nước...

Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ban đầu cho người lao động có đủ điều kiện xuất khẩu lao động, giúp họ yên tâm đi làm việc; chú trọng vận động người lao động tham gia các ngành nghề giúp tự tạo việc làm để sau khi về nước có thể phát huy kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
'Đòn bẩy' hướng đến giảm nghèo bền vững - Bài 1: Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động
'Đòn bẩy' hướng đến giảm nghèo bền vững - Bài 1: Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Xác định công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp, đồng thời là “đòn bẩy” tạo động lực để các gia đình vươn lên thoát nghèo, tỉnh Vĩnh Long nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN