Quảng Ninh lần đầu phát trực tuyến bán vải chín sớm trên mạng xã hội

Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh cho hay, sẽ tổ chức phiên phát trực tiếp (livestream) bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam (thành phố Uông Bí) trên mạng xã hội tại Fanpage Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh từ ngày 23 - 26/5.

Đây là lần đầu tiên Trung tâm tổ chức livestream bán hàng và là hoạt động nằm trong tổng thể Tuần hàng Việt Nam - Uông Bí 2024 của đơn vị.

Địa điểm livestream vải chín sớm Phương Nam là tại các vườn vải chín sớm Phương Nam. Hoạt động mua bán bán vải được thực hiện trực tuyến và trực tiếp. Trong quá trình livestream, đơn vị tổ chức sẽ phát các video quảng bá hình ảnh vải chín sớm Phương Nam.

Việc livestream bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam là cách làm mới và là hoạt động thiết thực để tôn vinh loại nông sản địa phương có chất lượng tốt. Cây vải chín sớm được trồng trên đồng đất Phương Nam từ những năm 1960. Đây là một trong những giống vải có chất lượng tốt nhất, trái to vỏ mỏng, gai thưa cùi dày, nhiều nước, mùi thơm, vị ngọt chua dịu, quan trọng hơn là cây có đặc tính chín rất sớm (trước từ 10 đến 20 ngày) so với các giống vải khác.

Vụ vải chín sớm năm nay, vùng vải hơn 400 ha của Phương Nam, thành phố Uông Bí ước cho sản lượng 1.800 tấn, thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ trung tuần tháng 5 cho đến thu hoạch toàn bộ trước ngày 6/6, trước khi vải thiều bắt đầu vào vụ.

Trước đó, thương lái và khách hàng ở các địa phương trong cả nước đã chủ động tìm tới các vườn vải chín sớm Phương Nam để đặt hàng. Số liệu báo cáo của phường Phương Nam, tính đến hết ngày 15/5, sản lượng thương lái đặt trước là gần 50% tổng sản lượng vùng vải.

Để nâng cao chất lượng và sản lượng quả vải chín sớm Phương Nam, thành phố Uông Bí đã sớm tiến hành quy hoạch vùng trồng vải chín sớm Phương Nam thành 8 vùng trồng. Năm 2013, vải chín sớm Phương Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh. Năm 2015, Uông Bí triển khai mô hình đưa quy trình sản xuất quả vải theo hướng VietGAP (là tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam) trên toàn bộ 400 ha vải.

Hiện vùng vải chín sớm Phương Nam đang trong lộ trình chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo chuẩn OTAS (là phương pháp chuẩn hoá dữ liệu, liên kết dữ liệu một cách tập trung, trích xuất dữ liệu cần thiết từ các hoạt động liên quan đến vùng, vùng trồng, giám sát vùng trồng, kiểm soát dịch hại, phân tích nguy cơ dịch hại) với các tiêu chí về lập bản đồ vùng trồng và giám định, kiểm soát chất lượng khắt khe. Đây là bộ quy chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chí để có thể xuất khẩu quả vải chín sớm Phương Nam vào các nước châu Âu.

Văn Đức (TTXVN)
Hải Dương chuyển giao công nghệ lên men, bảo quản quả vải
Hải Dương chuyển giao công nghệ lên men, bảo quản quả vải

Sáng 28/6, UBND tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà và Công ty A-World của Nhật Bản đã giới thiệu quy trình và phương pháp lên men cho quả vải tại Công ty CP Ameii Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN