Thực hiện giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Hải Dương trong tình hình mới

Trong 3 ngày, từ ngày 22 - 24/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức kỳ họp thứ 15.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu bế mạc kỳ họp. 

Kỳ họp đã xem xét, đánh giá nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh như: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; kế hoạch năm 2021, giai đoạn 5 năm 2021-2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; tình hình dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ ngân sách năm 2021; ban hành một số chính sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, ban hành cơ chế đặc thù cho thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn…

Kết thúc kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã biểu quyết thông qua 20 nghị quyết về thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về dự toán thu chi ngân sách; nghị quyết chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các dự án công trình phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng; nghị quyết về cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn giai đoạn 2021-2025...

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo, đưa ra các giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chương trình hành động triển khai nghị quyết và các đề án cụ thể, lãnh đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đánh giá lại việc thực hiện và giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, đơn vị, địa phương liên quan khắc phục những chỉ số thấp như: tính năng động chính quyền cấp tỉnh, tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Ủy ban nhân dân tỉnh cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng để triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm; quản lý và khai thác tốt nguồn thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Trung ương giao; điều hành quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm...

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cũng yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc phân bổ vốn và quy định về đầu tư công; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, tiếp tục có giải pháp cải cách  hành chính; kiên quyết thu hồi những dự án vi phạm quy định của pháp luật, triển khai không đúng cam kết, tạo quỹ đất để thu hút nhà đầu tư có đủ năng lực.

Các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thành xây dựng quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; đôn đốc, đẩy nhanh công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp để chủ động thu hút đầu tư sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy đầu tư các dự án lớn đã có chủ trương...

Chú thích ảnh
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết. 

Năm 2021, Hải Dương phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng từ 8% trở lên; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 35%; thu ngân sách nội địa tăng từ 10% trở lên so với dự toán giao; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 180 triệu đồng. Tỉnh phấn đấu có thêm 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; cuối năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%; giải quyết việc làm mới cho 35.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều...

Để đạt được mục tiêu trên, Hải Dương tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh cũng khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch COVID-19, vừa kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Tỉnh cũng xây dựng và tổ chức triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đẩy nhanh đầu tư, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương tăng 2,1% so với năm 2019. Đến hết năm 2020, tất cả 178 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 16.221,6 tỷ đồng, gần 90% dự toán; trong đó thu nội địa đạt dự toán (13.659 tỷ đồng) và bằng 85% so với thực hiện năm 2019. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 51.490 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2019. Thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khá, với tổng vốn đầu tư đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 11%; đầu tư nước ngoài giảm sâu, ước đạt 549 triệu USD, bằng 63,2% so với năm 2019...

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Hải Dương giải quyết kịp thời những kiến nghị từ cơ sở
Hải Dương giải quyết kịp thời những kiến nghị từ cơ sở

Từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành quy định về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN