Gia tăng bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Vĩnh Phúc

Từ đầu năm đến ngày 13/6, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận 309 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó chỉ riêng 13 ngày đầu tháng 6 có tới 139 ca mắc.

Trước tình hình này, ngành y tế tỉnh tích cực triển khai các biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc tiếp nhận gần 60 trẻ bị bệnh tay chân miệng đến khám từ đầu tháng 6 tới nay. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở thành phố Vĩnh Yên, có con 3 tuổi bị tay chân miệng cho biết: Cháu được gia đình đưa vào viện cách đây 4 ngày trong tình trạng sốt cao, kèm theo nôn, xuất hiện những nốt nhỏ li ti quanh miệng, lòng bàn tay. Bác sĩ khám và kết luận cháu bị bệnh tay chân miệng cấp độ 2A. Nhờ được khám, điều trị kịp thời nên giờ cháu khỏe lại, các mụn đã khô, ăn uống khỏe, vui như bình thường.

Bác sĩ Đỗ Thị Dừa, Phó Trưởng Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc cho biết: Một tháng gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị tay chân miệng tăng 20-30% so với đầu năm, có tuần tăng tới hơn 40%. Khoa hiện tiếp nhận điều trị cho gần 20 bệnh nhân. Trong số các bệnh nhi nhập viện, có trường hợp bị tay chân miệng mức độ 2B, buộc phải sử dụng các biện pháp hồi sức hô hấp; nếu người nhà đưa đến viện chậm sẽ gây biến chứng dẫn đến viêm màng não, phù phổi cấp rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Sở Y tế giám sát chặt tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh/ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng xử lý triệt để ngay sau khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch. Ngành chức năng tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh; thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; bố trí khu vực điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nặng.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phát hiện ca nghi ngờ; tuyên truyền sâu rộng trong trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Dừa, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, bùng phát thường theo mùa. Bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ 1-3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Phụ huynh khi thấy trẻ có các triệu chứng nghi ngờ bệnh tay chân miệng cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh, bác sĩ Đỗ Thị Dừa khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chăm sóc trẻ bị bệnh; tránh chạm vào mắt, mũi, miệng bằng tay không sạch; tránh thôn, ôm, dùng chung dụng cụ và đồ ăn với trẻ bị bệnh; thường xuyên khử trùng các bề mặt, đồ vật; tránh dùng chung dụng cụ ăn uống.

Nguyễn Thảo (TTXVN)
Chăm sóc vết loét miệng, ban đỏ ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng như thế nào là đúng?
Chăm sóc vết loét miệng, ban đỏ ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng như thế nào là đúng?

Bạn đọc hỏi: Với trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có vết loét ở miệng, phỏng nước trên da, làm cách nào để trẻ nhanh khỏi, tránh nhiễm trùng?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN