Phát hiện mới về hệ miễn dịch của loài muỗi giúp chống bệnh sốt rét

Các nhà khoa học Thụy Điển đã tạo ra bản đồ đầy đủ đầu tiên về các tế bào miễn dịch của muỗi, đồng thời phát hiện một loại tế bào mới có thể đóng vai trò quan trọng giúp loài muỗi chống lại bệnh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác.

Chú thích ảnh
Muỗi được được nuôi tại một phòng thí nghiệm tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Umea (Thụy Điển) đã tiến hành phân tích hơn 8.500 tế bào miễn dịch riêng lẻ để đánh giá chính xác gene nào đã bị biến đổi trong mỗi tế bào và xác định các chỉ thị phân tử (còn gọi là chỉ thị di truyền - một dấu hiệu hoặc đặc trưng có tính phân biệt giữa các cá thể) đối với từng loại tế bào duy nhất.

Hai loại muỗi được nghiên cứu gồm muỗi Anopheles gambiae chuyên truyền bệnh sốt rét và muỗi Aedes aegypti vốn thường mang virus gây các bệnh truyền nhiễm khác ở người như sốt xuất huyết, Chikungunya và Zika.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một loại tế bào mới hiếm nhưng quan trọng, được họ gọi là megacyte, có thể tham gia vào quá trình "miễn dịch sơ khai" (immune priming) của muỗi. Tế bào này dường như cũng biến đổi trong phản ứng miễn dịch đối với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium. Điều này có thể giúp những con muỗi có khả năng miễn dịch tốt trước những ký sinh trùng gây bệnh sốt rét dù không đủ mạnh để loại bỏ chúng.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Oliver Billker, hệ thống miễn dịch của muỗi kiểm soát cách thức loài côn trùng này truyền ký sinh trùng hay virus, song tới nay, những thông tin về loại tế bào tham gia vào quá trình này không nhiều.

Phát hiện mới trên có thể giúp các nhà khoa học tìm ra những phương pháp mới nhằm ngăn chặn muỗi truyền ký sinh trùng sốt rét cho người và phá vỡ chuỗi lây truyền.

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và lây truyền từ người sang người khi họ bị muỗi đốt. Bệnh sốt rét ảnh hưởng tới trên 200 triệu người trên thế giới. Năm 2018, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 405.000 người, đa phần là trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi.

Phương Oanh (TTXVN)
Thả muỗi biến đổi gene ra môi trường để ngăn ngừa dịch bệnh
Thả muỗi biến đổi gene ra môi trường để ngăn ngừa dịch bệnh

Nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu không ngừng nghĩ cách đối phó với các căn bệnh chết người do muỗi gây ra như sốt xuất huyết, Zika, sốt vàng da... Câu hỏi đặt ra là liệu có thể phòng chống các dịch bệnh do muỗi lây truyền bằng cách nuôi và thả muỗi ra môi trường?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN