Ngành công nghiệp game Việt Nam hướng tới doanh thu 1 tỷ USD

Theo số liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất trên thế giới, với 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đặt mục tiêu trong 5 năm tới (đến 2030), ngành game Việt Nam sẽ đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD.

Thị trường đầy tiềm năng

Các doanh nghiệp game cho biết, mục tiêu này có thể đạt được vì ngành công nghiệp game trên thế giới hiện nay đang rất phát triển. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, tổng quy mô của thị trường là 4,75 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 7,14 tỷ USD vào năm 2026.

Hiện Indonesia là quốc gia có doanh thu game online cao nhất, tiếp đó là Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đứng thứ 5. Trong đó, doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam đang vượt mốc 500 triệu USD với số lượng người tiếp cận giải trí ngành game chiếm hơn một nửa dân số Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ngày hội game Việt Nam 2024 (Gameverse) vừa qua tại TP Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo những người yêu game và sáng tạo game tham gia.

Theo giới chuyên gia trong và ngoài nước cũng như các tổ chức nghiên cứu thị trường, sự phát triển hàng loạt công nghệ mới như 5G, Blockchain, điện toán đám mây… và sự cải tiến mạnh mẽ về phần cứng thiết bị chơi game online (PC, smartphone) trong thời gian qua đã giúp Việt Nam tăng nhanh số lượng người chơi game, tăng doanh thu lợi nhuận và cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp game online của các công ty trên thế giới.

Bên cạnh đó, nắm bắt cơ hội trong xu thế phát triển ngành game của thế giới, các công ty sản xuất và phát hành game online tại Việt Nam đã tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao để tập trung phát triển các game thuộc các thể loại như: Mmorpg (game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi), Turn base (game dàn trận chiến thuật tấn công theo lượt), Moba (game đấu trường trực tuyến nhiều người chơi), Casual (game phổ thông, đơn giản), SLG (game mô phỏng chiến thuật), RPG (game nhập vai)...

Đặc biệt, với lợi thế dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới, Việt Nam đang được coi là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game online hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ. Thực tế, theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, có gần 85% trò chơi G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau, đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) phát hành hợp phát tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 76% trên tổng số trò chơi G1 phát hành.

Từ vị trí thiết kế, phát hành game, hiện Việt Nam còn được biết đến là một quốc gia có phong trào, năng lực trong thực hiện xây dựng game trên nền tảng công nghệ blockchain nên thị trường có sự chuyển mình khi các doanh nghiệp blockchain và studio game bắt tay phát triển. Theo đó, số lượng các công ty và cá nhân Việt Nam tham gia sản xuất và phát hành game dành cho thị trường toàn cầu khá đông đảo.

Bà Emily Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại thị trường Việt Nam cho biết: “Hiện nay, Việt Nam đang đứng top 5 về lượt tải game trên toàn thế giới và có hơn 35.000 nhà lập trình game, xấp xỉ các quốc gia lớn như Trung Quốc. Đáng chú ý, đội ngũ lập trình game tại Việt Nam trẻ, khả năng kỹ thuật và trình độ cao trong các bộ môn như phân tích toán học, lập trình... Bên cạnh đó, các công ty game Việt có khả năng nắm bắt xu hướng tốt, cho ra những game theo nhu cầu thị trường. Lợi thế khác là giá để phát hành một game không quá cao, chi phí nhân công lao động giúp tạo các game Việt cạnh tranh trên thị trường game toàn cầu”.

Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm và mức lương hấp dẫn cho các vị trí then chốt như thiết kế và lập trình game tại Việt Nam, với mức lương trung bình cho vị trí Game Developer khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí Game Artist khoảng 389 triệu đồng/năm. Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình đa dạng như marketing, quảng cáo, streamer…

Thay đổi tư duy để phát triển ngành công nghiệp game

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp game, thực tế tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt mức 3 - 5% trên doanh thu. Đây là mức trung bình và thậm chí được xem là thấp so với các ngành khác trong nền kinh tế. Đặc biệt, doanh thu ở mảng thị trường game di động của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam. Doanh thu ngành game Việt hiện chỉ đạt dưới 0,5% trong tổng giá trị toàn cầu.

Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam có khoảng 33 triệu người chơi game di động, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á nhưng so với quy mô dân số và mức độ phát triển hạ tầng viễn thông của một số nước trong khu vực, doanh thu ngành game online của Việt Nam trong những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi Việt Nam được nhìn nhận là thị trường đầy tiềm năng với nhiều dư địa để phát triển.

Chú thích ảnh
Các diễn giả chia sẻ về tiềm năng ngành công nghiệp game của Việt Nam tại sự kiện.

Ngoài ra, theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến VNGGame, mặc dù có nhiều sản phẩm của nhà phát hành game Việt Nam đứng top 5 trong khu vực Đông Nam Á, thế nhưng vẫn còn nhiều sản phẩm có chất lượng chưa tiệm cận với các tiêu chuẩn của thế giới và có tuổi thọ ngắn. Tuy nhiên, bất kì thành công nào cũng cần có quá trình để có thể tiến đến những mục tiêu lớn. Theo đó, các nhà làm game Việt không nên đặt nặng vấn đề sản phẩm mì ăn liền hay không mà điều quan trọng là định hướng để thị trường game để đưa ra sản phẩm game phù hợp và phát triển.

Để thị trường game Việt phát triển thực chất, trở thành một ngành công nghiệp game như các nước khác trên thế giới với mục tiêu đến năm 2030 không chỉ đạt doanh thu 1 tỉ USD mà còn tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động, từ 30 doanh nghiệp đang hoạt động lên con số bằng với thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100 - 150 doanh nghiệp, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT Bộ TT&TT cho biết: “Trước mắt, chúng ta phải xây dựng một nền tảng tốt, trong đó nền tảng đầu tiên của ngành game chính là đào tạo chính quy. Theo đó, trong năm 2023 vừa qua, Cục PTTH&TTĐT phối hợp với Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty VTC để tạo nhân lực lành nghề, chính quy”.

Ngoài ra, theo ông Lê Quang Tự Do, Cục cũng đang được Chính phủ “đặt hàng” tạo một chiến lược phát triển ngành game với những ưu đãi khác. Do đó, Cục đã kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để tạo một thị trường game tiềm năng thông qua các sự kiện. Cụ thể, mới đây nhất là Ngày hội game Việt Nam 2024 (Gameverse) do VNG tổ chức vào cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh. Sự kiện có sự tham gia của nhiều đối tác phát triển ngành game trên toàn thế giới như Google, Meta, TikTok, Roblox, Riot, Apple…

“Điều cuối cùng là các doanh nghiệp game cũng phải thay đổi định kiến của xã hội về ngành game. Nghĩa là, nói về game không phải là chỉ chơi game, nghiện game mà game còn là niềm tự hào của eSports khi đem về vinh quang cho Việt Nam như SeaGame. Game là một ngành công nghiệp tạo ra những giá trị, phụ huynh nên hướng con mình học và làm về game như lập trình game, đồ hoạ về game để tạo nên những startup, nhân lực cho ngành”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.

Bên cạnh công nghệ, việc thu hút vốn có thể được coi là một lực đẩy quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng tăng tốc để đuổi kịp sự phát triển của thị trường game ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Lã Xuân Thắng cho rằng, để thu hút đầu tư các dự án game, các nhà làm game vẫn phải có ý tưởng, tầm nhìn về game và những sản phẩm game chất lượng, được cộng động game thừa nhận giống như bộ phim hay cần có người xem. Do đó, nguồn vốn đầu tư tuy cần nhưng không phải là yếu tố đầu tiên để phát triển ngành game mà chính là thành quả ngành này gặt hái được khi thành công.

“Trong dài hạn, giá trị thật sự của sản phẩm được tạo ra mới là điều quan trọng. Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp game khác, luôn khát khao tìm kiếm các ý tưởng hay, các sản phẩm tốt để không chỉ phục vụ người dùng mà khát vọng lớn hơn chính là được công nhận trên quy mô toàn cầu”, ông Lã Xuân Thắng chia sẻ.

“Về nhân tài, nước ta có nhiều tài năng nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, chính sách thu hút nhân tài quốc tế. Về gọi vốn, có sản phẩm tốt thì mọi thứ sẽ đến. Nếu chúng ta muốn tăng trưởng gấp 5 - 10 lần, chúng ta cần có đối tác nước ngoài về tư vấn, phát triển, mở rộng cơ sở quốc tế", bà Emily Nguyễn cũng đồng tình.

Trong khuôn khổ Ngày hội Game Việt Nam (Gameverse) 2024, VNG và Roblox đã chính thức công bố việc hợp tác giữa 2 bên tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, VNG sẽ đồng hành cùng GameHub (chương trình tìm kiếm và kêu gọi đầu tư vào những dự án game tiềm năng) trong vai trò Hội đồng tư vấn. Theo đó, VNG sẽ trở thành nhà phát hành chính thức của Roblox - nền tảng trò chơi trực tuyến và xây dựng thế giới ảo nổi tiếng tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, VNG sẽ cùng với Roblox xây dựng cộng đồng sáng tạo, phát triển game trên nền tảng này nhằm thúc đẩy xu hướng lập trình phần mềm của các bạn trẻ. Dự kiến, Roblox sẽ chính thức được phát hành tại Việt Nam vào mùa hè năm nay trên các nền tảng iOS và Android.
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Chuỗi sự kiện ra mắt Hita Game và Ngày hội Tony Buzan
Chuỗi sự kiện ra mắt Hita Game và Ngày hội Tony Buzan

Ngày 13/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 5 năm Ngày mất Giáo sư Tony Buzan - “cha đẻ” Sơ đồ Tư duy, Viện Nghiên cứu phát triển sáng tạo Sơ đồ Tư duy và Bản quyền Việt Nam phối hợp với Viện Kỷ lục Việt Nam, Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực tổ chức ra mắt sản phẩm giáo dục Hita Game - Trò chơi của những Hiền Tài và Ngày hội Tony Buzan tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN