Chỗ dựa tin cậy của hộ nghèo ở huyện miền núi Đoan Hùng

Nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách, tập trung nguồn lực, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích, nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở Đoan Hùng, huyện miền núi phía bắc của tỉnh Phú Thọ đã giảm sâu hơn mục tiêu đề ra từ 7,61% (năm 2016) giảm xuống còn 4,72%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 40,1 triệu đồng/năm.

Chú thích ảnh
Nguồn vốn chính sách làm trợ lực để phát triển kinh tế đồi rừng ở Đoan Hùng.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Đoan Hùng cho biết: Ngay từ khi thành lập (năm 2003), toàn đơn vị đã đồng tâm, nhất trí cao vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tham gia thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương, đồng thời tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tổ chức thực hiện Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, chuyển tải kịp thời an toàn nguồn vốn về tận thôn bản, đến từng đối tượng thụ hưởng.
Hiệu quả rõ rệt của những việc làm đó là tốc độ tăng trưởng dư nợ của phòng giao dịch NHCSXH Đoan Hùng năm sau cao hơn năm trước, đến 30/6/2022 đạt 459,6 tỷ đồng với 9705 khách hàng đang dư nợ.

Đặc biệt, sau 7 năm đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống, hầu hết các nguồn lực tài chính ở Đoan Hùng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được quy về một đầu mối, giao cho NHCSXH tại địa bàn quản lý, sử dụng, cho vay các đối tượng chỉ định. UBND huyện cũng cân đối thu chi ngân sách ủy thác qua NHCSXH hơn 1,5 tỷ đồng, nâng nguồn vốn nhận ủy thác tại ngân sách địa phương lên 5,8 tỷ đồng, tăng 100% so với cuối năm 2014.

Toàn bộ nguồn vốn ưu đãi do huy động được cùng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đã được những người làm tín dụng chính sách ở Đoan Hùng bền bỉ chuyển tải về khắp 220 khu dân cư hành chính thuộc 22 xã, thị trấn qua mạng lưới 305 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các khu dân cư. NHCSXH Đoan Hùng đã chủ động thực hiện hiệu quả phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị xã hội như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên. Phương thức cho vay này thể hiện tính ưu việt riêng của NHCSXH, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị địa bàn để chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng.

Chú thích ảnh
Tất cả hộ nghèo, đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi thuận lợi.

Từ nguồn vốn tăng trưởng và sự đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, NHCSXH Đoan Hùng tăng thêm năng lực hoạt động, các mô hình kinh tế hiệu quả và gương điển hình giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở vùng miền núi xuất hiện ngày càng nhiều. Tiêu biểu là xã Ngọc Quan có đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống được nguồn vốn ưu đãi tiếp sức, chuyển đổi đất đồi sỏi đá, cằn cỗi năng suất thấp, hiệu quả kém sang trồng các loại cây có múi như bưởi, cam và chuyên canh chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53% thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 40 triệu đồng/năm. Một số hộ nông dân sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo khó, như gia đình bà Đào Thị Hồng, ở khu 5, xã Minh Tiến được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo để đầu tư trồng, chăm sóc vườn ổi, chanh không hạt, thu nhập mỗi vụ đến 40-50 triệu đồng. Hộ ông Lê Đình Tố, ở khu 6, xã Chân Mộng đã sử dụng 80 triệu đồng vốn ưu đãi trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn, nay thoát hết nghèo, trả xong nợ vay ngân hàng

Giám đốc Nguyễn Trọng Hải cho biết: Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, NHCSXH Đoan Hùng được các cấp lãnh đạo giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ vì đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời, góp phần cho 22.045 hộ thoát nghèo, thu hút việc làm cho trên 2.725 lao động, hỗ trợ trên 8.239 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn yên tâm học tập. Tín dụng ưu đãi còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền trong huyện. Đặc biệt gần đây là triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng mới của Chính phủ như hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và cho vay khôi phục, phát triển kinh tế xã hội sau dịch bệnh theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Lương Xuân - Đông Du
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam giúp hộ nghèo có Tết đầm ấm hơn
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam giúp hộ nghèo có Tết đầm ấm hơn

Với tinh thần tương thân, “tương ái”, “uống nước nhớ nguồn”, chung tay chia sẻ khó khăn với hộ nghèo, khó khăn, Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Nam trao 50 suất quà Tết trị giá 25 triệu đồng cho 50 hộ nghèo ở huyện Kim Bảng và 5 suất quà, trị giá 3,5 triệu đồng cho 5 Mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Thanh Liêm nhằm giúp các Mẹ và bà con bớt phần khó khăn, có thêm nghị lực trong cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN