Trường Cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất – Quảng Ngãi: Mô hình đào tạo nghề 9 + 4 – Chắp cánh cho những ước mơ

Các học sinh vừa tốt nghiệp THCS (lớp 9) có thể lựa chọn cho mình một nghề theo mơ ước của mình lại vừa có thể hoàn thành chương trình phổ thông trung học. Đây là một mô hình mới – mô hình đào tạo nghề 9 + 4 sẽ được Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất thí điểm vào năm học tới – hứa hẹn mở ra một hướng đi mới, chắp cánh cho những ước mơ của người dân nghèo của dải miền Trung.

Chú thích ảnh
Sinh viên đi thực tập sinh tại Công ty Nissan Jidosha Kushu (Nhật Bản).

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất là một trong các trường được Bộ Lao động thương binh và xã hội cho phép thực hiện thí điểm mô hình này, mang tính đột phá ở khu vực miền Trung.

Giải thích mô hình này, TS Nguyễn Hồng Tây – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cho biết: Sau 4 năm được đào tạo nghề và học văn hóa tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất(CĐKNDQ), học sinh khi tốt nghiệp sẽ vừa hoàn thành chương trình trung học phổ thông lại vừa được cấp bằng Cao đẳng.

Học sinh khi học xong lớp 9, nếu không tiếp tục học thêm 3 năm phổ thông trung học và 2 năm hệ cao đẳng thì đăng ký vào Trường Cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất.

Trường hiện nay có 420 em đăng ký theo học mô hình này, nhưng năm học tới, trường sẽ lựa chọn khoảng 60 em. Các em này sẽ được chọn lựa để dạy song song văn hóa với dạy nghề. Mô hình này sẽ vừa đào tạo văn hóa, vừa đào nghề theo kiểu: “sáng cầm bút, chiều cầm cà lê”. Trong đó chương trình dạy nghề sẽ được rải đều trong 4 năm thay vì 2 năm nhưng các lớp cao đẳng nghề thông thường. Để thực hiện dạy văn hóa cho học sinh, nhà trường có ký kết hợp đồng, phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh để giảng dạy tại trường. Đây là cách đào tạo nhân lực, kỹ sư thực hành ra làm việc ngoài xã hội một cách nhanh nhất.

Song song các buổi học nghề theo chương trình của Trường, các em học văn hóa vẫn đảm bảo chất lượng và chương trình của Bộ giáo dục. Tuy nhiên, để gây hứng thú cho các em này, nhà trường sẽ tiến hành cho các em làm quen với kỹ năng nghề trước, nghĩa là cho các em tháp ráp, đục gõ… sau đó mới từ từ động viên, phân tích cho các em học văn hóa, tạo được sự kích thích cho các em và giao trách nhiệm cho các em phải hoàn thành chương trình Trung học Phổ thông.

Trước mắt, nhà trường lựa chọn các nghề mà một số doanh nghiệp đã đăng ký với trường đào tạo để sử dụng ngay cho Dự án Nhà máy thép Hòa Phát, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan và dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu.

Với những học sinh học hết lớp 9 khi đã đi học nghề thường sẽ rơi vào những học sinh có học lực trung bình, nhưng lại có nhu cầu học nghề để tìm việc làm. Tuy nhiên, nếu đào tạo văn hóa và đào tạo nghề ở bậc trung cấp thì khi ra tìm việc làm chưa chắc các em đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng thuần thục, nhất là trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 nếu học sinh không được đào tạo bài bản, sẽ rất khó để cạnh tranh ở những vị trí việc làm tốt. Vì vậy, mô hình đào tạo 9 cộng 4 sẽ cơ bản giải quyết được bài toán trình độ đào tạo.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Pháp hướng dẫn cho sinh viên khoa ô tô.

Trong năm học tới, ngoài việc triển khai mô hình 9 + 4, Trường Cao đẳng kỹ nghệ Dung Quất còn thực hiện chuyển giao đào tạo 2 nghề chính là Ngành Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí và ngành: Vận hành thiết bị chế biến dầu khí thông qua Chương trình hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH với Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức. Đây sẽ là một trong những ngành nghề có nhu cầu rất cao ở Quảng Ngãi, nơi có nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động. Với việc “đi tắt đón đầu” này, nhà trường sẽ đảm bảo nguồn cung rất lớn khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn thành công tác nâng cấp mở rộng trong thời gian tới. Không những thế, phương châm của Trường CĐKNDQ là ở đâu có nhu cầu, ở đó có hợp tác thông qua việc đưa học sinh-sinh viên đi thực hành thực tập tại Nhật Bản và các nước.
Trong năm 2018, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký kết đặt hàng với Trường CĐKNDQ đào tạo 5000 sinh viên trình độ trung cấp và cao đẳng với các ngành nghề chủ yếu như: Bảo trì hệ thống thiết bị điện, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, lắp đặt thiết bị cơ khí, tự động hóa công nghiệp…Ở trình độ sơ cấp, KCN Vsip đã đặt hàng đào tạo 5.500 lao động trong các ngành sản xuất giày, da, dệt nhuộm, may công nghiệp.

Việc chuyển giao nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ 4.0 rất cần các sinh viên năng động, tiếp cận được nhiều với những tiến bộ về khoa học, công nghệ chứ không phải là phổ cập những kiến thức văn hóa một cách chung chung.

Thông qua những chương trình đã hợp tác với Chính phủ Pháp trong việc hợp tác chuyển giao nghề Công nghệ ô tô cho thấy nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn Châu Âu đang ngày càng tăng lên.

Mô hình đào tạo 9 + 4 và các mô hình phối hợp với các nước đi đầu trong công tác đào tạo nghề là hướng đi hợp lý của Ban giám hiệu Nhà trường và đây sẽ là nguồn cung rất lớn đáp ứng cho mục tiêu CNH-HĐH của tỉnh Quảng Ngãi.

Trường Minh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN