Xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Tỉnh Đắk Nông đang tập trung xây dựng, phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất sạch và ứng dụng công nghệ. Nhiều hợp tác xã đã tập hợp nông dân, tạo vùng nguyên liệu lớn và cung ứng sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Ưu tiên chất lượng

Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) hiện có 112 xã viên. Đây là một trong các hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhất tỉnh Đắk Nông với vùng nguyên liệu tập trung diện tích hơn 300ha, sản lượng cà phê nhân thu hoạch hàng năm hơn 1.000 tấn.

Chú thích ảnh
 Xã viên HTX Thuận An thu hoạch cà phê năm 2021

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, đơn vị được thành lập năm 2012. Nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, một số đối tác là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu cả nước tại các tỉnh Tây Nguyên và sự đồng tâm, nhất trí của các xã viên, cuối năm 2012, hợp tác xã đã được cấp chứng chỉ Fairtrade. Đây là chứng chỉ thương mại công bằng, do Tổ chức quốc tế về dán nhãn thương mại công bằng (Fairtrade Labelling Organization International – FLO, thành lập năm 1998 tại Hà Lan) cấp.

Các xã viên tham gia canh tác và được cấp chứng nhận Fairtrade được đảm bảo một mức giá tối thiểu gồm chi phí sản xuất và trách nhiệm môi trường, xã hội. Trong quá trình canh tác hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và ưu tiên duy trì môi trường tự nhiên, cảnh quan tại khu vực canh tác. Đổi lại, người sản xuất được nhận một khoản hỗ trợ phát triển bổ sung, không liên quan đến giá cả liên thị trường thế giới.

"Vụ cà phê năm 2021 vừa qua, nông dân sản xuất cà phê Fairtrade tại hợp tác xã bán giá bình quân khoảng 51.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường khoảng 42.000 đồng/kg" – ông Nguyễn Hữu Hạ thông tin thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hạ, Hợp tác xã Thuận An và các đối tác luôn đề nghị nông dân thu hoạch cà phê đã đủ độ chín và tập trung sơ chế theo các quy chuẩn chất lượng ngay từ đầu. Các loại cà phê này đều có giá thu mua cao hơn để khuyến khích; đồng thời, góp phần thay đổi tập quán, nhận thức của nông dân và tạo ra được nguyên liệu chất lượng cao, số lượng lớn.

Xã Thuận An là một trong những vùng sản xuất cà phê tập trung nhất tỉnh Đắk Nông. Xã hiện có hơn 4.000 ha cà phê, sản lượng hàng năm hơn 12.000 tấn. Cây cà phê đã được người Pháp trồng thử nghiệm tại Thuận An từ đầu những năm 1950 và nơi đây được đánh giá là có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để sản xuất cà phê trên quy mô lớn.

Hiện sản phẩm cà phê nhân xô tại Thuận An đang được cung cấp cho nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê lớn trong nước. Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của hợp tác xã cũng đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao vào tháng 9/2020.

Tương tự, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song là một trong các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh Đắk Nông với diện tích hồ tiêu tập trung, sản lượng lớn và chất lượng hạt tiêu ổn định. Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà) hiện có hơn 125 xã viên; trong đó, có 56 hộ dân với diện tích gần 200ha được công nhận đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ, bền vững do tổ chức Control Union Certifications, Hà Lan công nhận.

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Nguyên cho biết, các hộ dân tham gia chứng nhận sản xuất hữu cơ phải tuân thủ một quy trình canh tác riêng với nhiều quy định chặt chẽ về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Trong đó, quy trình canh tác ưu tiên gìn giữ môi trường sản xuất tự nhiên và cân bằng vốn có của hệ sinh thái, từ đó đảm bảo sức khỏe của cả người tiêu dùng lẫn nông dân trực tiếp sản xuất, làm ra sản phẩm.

Chú thích ảnh
 Niềm vui trúng mùa hồ tiêu

Thực tế, phần lớn các hộ dân canh tác theo quy chuẩn này đều có năng suất ngang bằng, hoặc thấp hơn so với canh tác thông thường. Tuy nhiên, nông dân vẫn được lợi vì giá bán ra cao hơn khoảng 30% so với giá thị trường, tùy thời điểm. Sản phẩm có đầu ra ổn định hơn và vườn cây sinh trưởng, phát triển bền vững, lâu dài hơn.

"Chúng tôi khuyến khích nông dân tham gia sản xuất theo chứng nhận hữu cơ bền vững. Hiện ngoài 56 hộ dân đạt chứng nhận này, chúng tôi còn có một "vùng đệm" với hàng trăm hộ dân đang tham gia chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã Hoàng Nguyên cũng có một quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, bất kỳ sản phẩm hồ tiêu nào bị phát hiện tồn dư các loại chất cấm đều sẽ bị truy xuất nguồn gốc, hộ gia đình vi phạm phải chịu trách nhiệm và sẽ bị loại khỏi nhóm ít nhất 5 năm", bà Trần Thị Thu chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Trần Thị Thu, năm 2021, giá hồ tiêu đạt chứng nhận cao hơn khoảng 25 triệu đồng/tấn so với các loại hồ tiêu thông thường và hợp tác xã nhận định việc chênh lệch giá cả này sẽ giữ chân nông dân tham gia quy trình sản xuất hữu cơ, đồng thời tạo sức lan tỏa, thu hút nhiều nông dân hơn.
Hiện nay, Hợp tác xã Hoàng Nguyên đang cung ứng sản phẩm hồ tiêu cho nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu lớn trong nước. Các sản phẩm của hợp tác xã đã được xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường "khó tính" như các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… Đối với thị trường trong nước, Hợp tác xã Hoàng Nguyên đang phát triển việc chế biến, đóng gói các sản phẩm tiêu đen, tiêu trắng, xây dựng thương hiệu và bán trực tiếp ra thị trường.

Hỗ trợ thiết thực cho nông dân

Đắk Nông là tỉnh có nhiều loại nông sản chất lượng cao được sản xuất tập trung. Hiện Đắk Nông là địa phương đứng thứ hai cả nước về diện tích, sản lượng của hai loại cây công nghiệp "tỷ đô" là cà phê và hồ tiêu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hiện tỉnh có hơn 130.000 ha cà phê với sản lượng hơn 330.000 tấn và gần 35.000 ha hồ tiêu với sản lượng gần 65.000 tấn.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng Thuận An cho rằng, việc hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương là điều kiện quan trọng, thiết yếu để các hợp tác xã phát triển. Mấy năm qua, các xã viên Hợp tác xã Thuận An đã nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực. Điển hình như: hệ thống đường giao thông nội vùng sản xuất cà phê được cải tạo, nâng cấp để bà con thuận tiện hơn trong việc sản xuất, vận chuyển vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản. Hệ thống điện cũng được hỗ trợ đầu tư, cả đường dây, trạm biến áp để bà con thuận tiện hơn trong quá trình canh tác, thu hoạch, sơ chế cà phê…

Nhìn chung, theo một số hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, liên kết nông dân. Hạ tầng yếu kém thì không thể tính chuyện liên kết sản xuất, chứ chưa nói tới việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, sơ chế, chế biến… sản phẩm nông sản.

Bà Trần Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại hữu cơ Hoàng Nguyên cho rằng, việc nông dân chuyển đổi sang sản xuất và được công nhận quy chuẩn sản xuất hữu cơ, bền vững đã giúp sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã tiếp cận được các thị trường khó tính và góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con. Tuy nhiên, hiện nay, các xã viên của hợp tác xã đang rất cần được hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó hai yếu tố trọng tâm là hệ thống điện và đường giao thông nội vùng phục vụ sản xuất.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết, phát huy vai trò chủ lực của các hợp tác xã trong liên kết nông dân, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, ưu tiên chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng xác định một số vùng nông nghiệp sản xuất tập trung để ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ nông dân phát triển. Đây sẽ là nơi nông dân liên kết sản xuất quy mô lớn, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao và sẽ tạo ra sức hút lớn trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Đường giao thông được bê tông hóa tới chân ruộng

Trong năm 2021, Đắk Nông đã có bốn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: vùng sản xuất cà phê Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil); vùng sản xuất hồ tiêu Thuận Hà (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song); vùng sản xuất hồ tiêu Thuận Hạnh (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) và vùng sản xuất lúa Buôn Chóah (xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô). Tổng diện tích bốn vùng sản xuất tập trung gần 2.400ha với gần 1.500 hộ nông dân. Mỗi vùng đều có từ 1 – 3 doanh nghiệp, hợp tác xã làm "hạt nhân" trong liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường. 

"Chúng tôi phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp trong vận động, huy động nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp. Các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, từ đầu tư cơ sở hạ tầng cho đến các chính sách khuyến nông sẽ đến tay nông dân thông qua việc hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm cà phê cũng đã tạo lập được thương hiệu. Việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm sẽ tạo nên "cú hích" đối với sản xuất nông nghiệp, vốn được xác định là một trong ba trụ cột kinh tế của Đắk Nông",  ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định.   

Minh Hưng
Đăk Nông - xã vùng biên đầu tiên của Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới
Đăk Nông - xã vùng biên đầu tiên của Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 15/3, UBND huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) tổ chức công bố xã Đăk Nông đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là xã vùng biên giới đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN