Bảo tồn bản sắc văn hóa cồng chiêng và tượng nhà mồ của người Bahnar

Huyện K'Bang là một trong những địa phương của tỉnh Gia Lai đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người Bahnar, đặc biệt là việc bảo tồn hệ thống cồng chiêng và tượng nhà mồ.

 

Hiện cả tỉnh còn lưu giữ được khoảng 6.000 bộ cồng chiêng, nhưng riêng huyện K'Bang có gần 1.000 bộ, với hơn 50 bộ chiêng quý (chiêng cổ) có giá trị từ 13 - 15 triệu đồng/bộ. Có những làng dân tộc còn lưu giữ đến hơn 30 bộ cồng chiêng, nhiều hộ gia đình có từ 5 - 7 bộ. Về việc lưu giữ văn hóa nhà mồ và tượng nhà mồ ở nhiều buôn làng vẫn còn giữ nguyên giá trị độc đáo, với những tượng làm bằng gỗ cắm đặc xung quanh khu nhà mồ, với vóc dáng đẹp và uy nghi về tâm linh.


 

Nghệ nhân Đinh Đi (phải) hướng dẫn thanh niên chỉnh chiêng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

 

Công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của huyện K'Bang luôn được đẩy mạnh trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số người Bahnar, đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống. Hằng năm, huyện đều tổ chức Liên hoan cồng chiêng đến tận các buôn làng và được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Ngoài ra, trong các dịp lễ hội của người dân địa phương như mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ hội Pơ Thi (bỏ mả)... cũng đều được các cấp chính quyền địa phương tạo thuận lợi để các buôn làng tổ chức gắn liền với văn hóa cồng chiêng và tượng nhà mồ. Bên cạnh đó, huyện cũng có nhiều hình thức tổ chức truyền nghề lại cho thế hệ trẻ, như hình thành các đội cồng chiêng "nhí", thi tạc tượng trong thanh niên...

Ông Đinh Đi là một trong những nghệ nhân chỉnh chiêng ở làng Lợt (xã Nghĩa An), năm nay đã 78 tuổi, làm nghề này được hơn 50 năm. Uy tín của ông đã vang xa bởi tay nghề cao, bộ chiêng nào được ông chỉnh sửa thì bà con đều ưng ý bởi tiếng vang của từng chiếc chiêng rất chuẩn. Những người mang chiêng đến chỉnh sửa không chỉ trên địa bàn huyện mà ở cả các tỉnh bạn như Bình Định, Đắk Lắk, Kon Tum... Ông tâm sự: "Mình đã già yếu rồi, số nghệ nhân chỉnh chiêng như mình hiện không còn nhiều nên mình đang cố gắng truyền nghề lại cho lớp trẻ. Bộ chiêng có những âm thanh phát ra khi gõ bị "lạc" tiếng thì coi như không có giá trị, và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm mai một bản sắc văn hóa cồng chiêng".


Ông Đinh Hoắc và Đinh Uông là 2 nghệ nhân tạc tượng ở làng Boong (xã Lơ Ku), đã gần 60 tuổi nhưng có nhiều trăn trở trong công việc bảo tồn các khu nhà mồ của người Bahnar. Từ gỗ để tạc ra một bức tượng theo ý muốn là không khó và cũng không mất nhiều thời gian, song cái khó nhất là cái "hồn" của bức tượng bằng gỗ đó có lột tả được ý nghĩa không. Do vậy, từ nhiều năm nay nghệ nhân Đinh Hoắc và Đinh Uông luôn chịu khó truyền nghề lại cho lớp trẻ, hướng cho lớp trẻ phải biết "động não" trong khi tạc tượng. Đáng mừng là hiện nay trong làng Boong có nhiều thanh niên biết tạc tượng với tay nghề ngày càng cao, nhiều làng khác trong xã Nghĩa An cũng làm tốt việc truyền nghề này.


Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN