Đại đức Thích Chánh Tịnh - người thổi hồn vào đất

Đại đức Thích Chánh Tịnh miệt mài, mê say thổi hồn vào đất, tạo thêm nhiều sản phẩm gốm mới.

Chú thích ảnh
Đại đức Thích Chánh Tịnh chế tác sản phẩm. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tình nguyện xuất gia học Phật từ năm 1994. Khoảng thời gian dài mài rèn kinh sử và tìm hiểu, nghiên cứu về họa tiết phù điêu cổ điển trong chùa, một sư thầy đã nhận thấy họa tiết phù điêu đều không còn nguyên vẹn bởi sự bào mòn của thời gian. Điều đó đã khơi nguồn cảm hứng cho thầy phục chế những họa tiết phù điêu đã bị mai một trên các chất liệu mong bảo tồn, gìn giữ tinh hóa văn hóa Việt. Đó là Đại đức Thích Chánh Tịnh (nghệ nhân dân gian, kỷ lục gia Phạm Văn Tuyên).

Tại tư gia - nơi đặt Cơ sở gốm phù điêu (xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng), mặc cái lạnh tái tê của những ngày đầu xuân 2019, Đại đức Thích Chánh Tịnh vẫn miệt mài, mê say thổi hồn vào đất, tạo thêm nhiều sản phẩm gốm mới.

Trong nhiều chế tác nổi bật của thầy như: những đôi đèn gốm cao 170 cm đến 230 cm mang hình dáng của đèn gốm Triều Mạc, các mẫu Lư hương tiêu bản triều Mạc, triều Lê, cùng nhiều tác phẩm sáng tạo với tư duy đương đại cỡ lớn, còn phải kể đến bộ Bách Bình vừa được Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố và trao Kỷ lục Việt Nam cho “Bộ Bách Bình bằng gốm được chế tác và đắp nổi hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam nhiều loại nhất”.

Đại đức Thích Chánh Tịnh chia sẻ: 100 mẫu bình gốm khác nhau, sử dụng hệ thống hoa văn cổ của Việt Nam vào từng chiếc bình và hoa văn đó đắp nổi (phù điêu) toàn bộ, màu men tam thái thể hiện sự trầm mặc của gốm sứ Lê, Mạc, sự quyền quý của hoa văn Lý, Trần. Toát lên sự độc đáo, mỗi chiếc bình đều có một dáng vẻ riêng, chỉ sản xuất độc bản và ghi tên người chế tác vào từng chiếc bình, kích thước bình cao từ 42cm đến 85cm, đường kính từ 38cm đến 52cm.

Không dừng ở đó, cuối năm 2018, Đại đức Thích Chánh Tịnh đã biên tập 100 mẫu bình gốm (Bách Bình) và tự thiết kế đồ họa trình bày thành sách ảnh. Sách đã được Cục xuất bản cấp phép, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, biên soạn song ngữ Việt - Anh, mục tiêu giới thiệu với bạn bè quốc tế biết đến tinh nghệ thủ công gốm phù điêu của người Việt Nam đương đại. Cuốn sách của thầy được các nghệ sỹ, nghệ nhân và những người quan tâm đến hoa văn, họa tiết phù điêu cổ truyền Việt Nam đánh giá cao.

Chú thích ảnh
Đại đức Thích Chánh Tịnh đang chế tác sản phẩm. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng Lê Văn Quý cho rằng, với việc dày công tâm huyết chế tác và giới thiệu 100 bình gốm mang đậm nét thủ công, dáng vẻ dung dị mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế khoáng đạt, họa tiết phong phú ngập tràn hương hoa, âm sắc của thiên nhiên trời đất, đọng được cốt hồn nghệ thuật cổ truyền dân tộc nhưng không kém phần linh hoạt, sáng tạo. Tác giả đã thực hiện một công việc mang nhiều ý nghĩa, góp một tiếng nói, một hành động cụ thể thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt.

Còn họa sỹ Nguyễn Trọng Đoan, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Trang trí - Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Tôi đã đi nhiều làng nghề, những người tài, khéo, tinh hoa như thầy không nhiều. Những mảng phù điêu, những họa tiết trên gốm do thầy sáng tác rất nhập tâm và thả hồn vào bóng dáng cổ xưa để cải biến nó trở thành sáng tạo của riêng thầy.”

Cùng với Bách Bình, còn thêm nhiều sản phẩm khác đã được Đại đức Thích Chánh Tịnh tạo ra từ cảm quan mỹ học giữa những ngày tháng tiêu dao ở bến đời, khai thị trên đường giác. Đó là tự tay thầy phục chế một căn hộ trung nông của dân cư đồng bằng Bắc Bộ theo công thức truyền thống, chạm trổ trên gỗ, điêu khắc trên đá toàn bộ. Đó còn là thầy sáng lập và trực tiếp thi công công trình lưu trữ nông cụ, nông nghiệp Vườn Xưa tại quê hương - xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy. Công trình thể hiện nhiều tác phẩm phù điêu trên nhiều chất liệu, nhất là gốm sứ phù điêu, có giá trị bảo tồn nét văn hóa bản địa về nông học, tái hiện không gian nhà nông, giới thiệu văn hóa, phục vụ nhân dân miễn phí tham quan, được công chúng đánh giá cao.

Đặc biệt, Đại đức Thích Chánh Tịnh được Ban quản lý Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc huyện Kiến Thụy mời thiết kế và điêu khắc 4 tác phẩm “Nghiên - Bút - Mực - Giấy” bằng đá xanh. Kích thước mỗi tác phẩm cao trung bình 140cm, rộng 100cm, dài 120cm. Công trình này đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam (tháng 2/2014). Cùng đó, 2 khẩu pháo Thần Công đúc bằng đồng và 2 bệ pháo Thần Công bằng đá xanh, với họa tiết, hoa văn nổi đặc sắc mang dư âm nghệ thuật phù điêu triều Mạc do thầy thiết kế và điêu khắc cũng đang được trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc…

Tương lai, Cơ sở Gốm phù điêu sẽ chế tác thêm nhiều dòng sản phẩm mang dư âm các triều đại lịch sử Việt Nam phục vụ triển lãm, giới thiệu tinh nghệ thủ công trên gốm của người Việt Nam với du khách nước ngoài và hưởng ứng các ngày lễ lớn của quốc gia và thành phố Cảng năm 2019.

Có thể nói, "Gốm phù điêu" - sản phẩm làm bằng tay, phủ men gio, nung củi - công thức truyền thống, thuần Việt, đã trở thành một phương pháp độc lập, một thương hiệu của riêng thầy. Mỗi tác phẩm là một kỳ công, mỗi tác phẩm là một lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia… Tất cả minh chứng về tài năng của Kỷ lục gia Phạm Văn Tuyên - Đại đức Thích Chánh Tịnh đã đạt đến đỉnh cao của nghề, tư duy về cội nguồn được khởi từ tâm giác ngộ.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp nhận hơn 360 cổ vật do một nhà sưu tập hiến tặng
Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp nhận hơn 360 cổ vật do một nhà sưu tập hiến tặng

Ngày 3/8, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức tiếp nhận 367 cổ vật do Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) hiến tặng và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo vệ, trưng bày phục vụ nhân dân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN