Độc đáo những phiên chợ quê chỉ họp trong ngày Tết

Ở Thừa Thiên - Huế, khi kinh tế thị trường mở cửa, hàng hóa thông thương và hết sức phong phú thì những phiên chợ quê chỉ họp trong 3 ngày Tết Nguyên đán vẫn tồn tại.

Không khí mua bán tấp nập tại chợ phiên họp 3 ngày Tết đầu năm ở làng Mỹ Lợi, Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Người bán, người mua vẫn tấp nập và cái hay là chợ không nói thách giá, người mua không mặc cả, nói mấy bán nấy. Người đi chợ để mua cái lộc đầu năm mới, với những hy vọng làm ăn phát đạt, hạnh phúc và vui tươi hơn.

Chợ phiên họp 3 ngày Tết đầu năm ở làng Mỹ Lợi, Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế có từ hàng trăm năm nay.

Cứ vào ngày đầu xuân, người dân làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ lại tập trung bên gò đất cao tại khu vực xóm Cồn, sát quốc lộ 49A để họp phiên chợ Tết.

Hàng hóa là những sản vật nông nghiệp được người dân thu hoạch từ trong vườn mang ra chợ bán. Đó là những buồng cau, nải chuối, hay bó cải, rổ đậu... Người bán không nói thách, người mua không mặc cả, không trả giá.

Món hàng mà người đi chợ phiên ngày Tết ở Mỹ Lợi mua nhiều nhất là cau trầu. Bà con đi chợ phiên mua cau trầu gọi là mua lộc đầu năm.

Cùng với làng Mỹ Lợi là chợ phiên ngày Tết ở xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền là một nét đẹp văn hoá truyền thống có từ lâu đời.

Năm nay cũng vậy, từ mùng Một Tết Mậu Tuất 2018 đã rộn ràng người mua, người bán. Chợ chỉ đông trong 3 ngày Tết, đều bán các mặt hàng nông sản thu hoạch từ trong vườn như rau, trầu cau, mía, cá...

Năm nay, thời tiết nắng ráo, rất thuận lợi cho người đi chợ nên không khí ở đây thật tấp nập, vui tươi và phấn khởi.

Ngày đầu năm mới, mọi người đã mang những sản vật nông nghiệp ra chợ để bán, mong có được cái duyên, cái lộc đầu năm mới cho gia đình mình và những người xung quanh.

Trong đó cau trầu, cải xanh, mướp đắng, đồ chơi trẻ em là hàng hoá được bày bán rất phong phú và cũng được nhiều người mua nhất.

Theo các vị cao niên ở Quảng Ngạn, phiên ngày Tết ở đây có từ rất lâu đời, năm nào cũng vậy, thời tiết nắng cũng như mưa, cứ vào ngày mùng Một Tết Âm lịch, mọi người đi chợ, bán một ít sản vật thu hái được trong vườn với mong muốn có được cái lộc đầu năm mới cho con cháu trong gia đình, để gia đình mình luôn sức khỏe, hạnh phúc và may mắn. Chợ còn là dịp cầu mong cho mọi nhà đều vui tươi, sum vầy, làm ăn năm mới phát đạt hơn năm cũ.

Nhiều người con xa quê, khi ra chợ có cảm nhận được hương vị quê hương, cùng chung vui với bà con lối xóm, người thân tại phiên chợ Tết.

Tại chợ, còn có các trò vui chơi, giải trí, các quầy bán hàng ở chợ, một nét đẹp văn hóa riêng của quê hương Quảng Ngạn, để lưu giữ hình bóng quê hương khi đi xa nhớ về.

Chợ phiên ngày Tết ở xã Quảng Ngạn là một nét đẹp văn hóa có từ rất lâu đời, năm nay thời tiết thuận lợi nên phiên chợ ngày Tết Mậu Tuất 2018 ở đây năm nay đông đúc và náo nhiệt hơn nhiều so với mọi năm.

Người mua, người bán tấp nập, đi đâu cũng nghe tiếng cười nói, chào mời và những lời chúc nhau một năm mới tốt đẹp nhất.

Trên khuôn mặt của mỗi người đi chợ phiên ngày Tết đều rạng ngời niềm vui phấn khởi và sự tin tưởng vào một năm mới sức khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc, mua may, bán đắt hơn.

Những đứa trẻ con được tung tăng trong bồ áo quần mới theo mẹ ra chợ Tết để mua các loài đồ chơi, góp phần khắc họa thêm nét đẹp văn hóa của những ngư dân vùng biển huyện Quảng Điền.

Quốc Việt (TTXVN)
Tái hiện chợ Tết quê tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Tái hiện chợ Tết quê tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Từ ngày 31/1 đến 3/2 (mùng 4-7 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017), một không gian chợ Tết xưa đã được tái hiện tại Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN