Làm du lịch ở Di tích Văn hóa Chăm

Quảng Nam hiện có 4 di tích Chăm Di tích quốc gia (Đồng Dương, Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An) và 1 Di sản Văn hóa thế giới (Mỹ Sơn). Tuy nhiên, thực trạng khai thác các di tích này lại chưa cân xứng với tiềm năng vốn có.

Từ thực trạng…

Ngày 1/12/1999, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Kể từ đó, Mỹ Sơn đã thu hút được nhiều khách du lịch, hằng năm tăng 13.000 lượt với tốc độ tăng trung bình 26%/năm, chủ yếu là khách quốc tế. Và khách nội địa chiếm một số lượng nhỏ nhưng có tốc độ tăng đáng kể từ 17,2% năm 1999 nhưng đến năm 2000 tăng đến 21,4%, đây quả là một tốc độ tăng lý tưởng. Đặc biệt năm 2007 tăng đến 159.501 lượt khách. Điều này càng chứng tỏ rằng Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới, không những thu hút được nhiều khách quốc tế mà việc thu hút khách nội địa cũng góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, doanh thu du lịch ở Mỹ Sơn còn rất thấp so với cả tỉnh, cao nhất chỉ chiếm 38,6%, điều này cho chúng ta thấy rõ Mỹ Sơn chưa được khai thác đúng với giá trị của nó. Phần lớn doanh thu chỉ thu từ vé tham quan, các mặt hàng lưu niệm chưa thật sự phong phú để có thể thu hút, hấp dẫn khách du lịch. Đây là vấn đề còn rất hạn chế của Ban Quản lý Di sản này.

Tháp Chiên Đàn.


Không như Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An, Phật viện Đồng Dương dù đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích Quốc gia những lại có số phận hẩm hiu. Số lượng khách đến đây còn quá ít. Tháp Chiên Đàn thu hút chủ yếu là khách quốc tế từ các tour của các công ty du lịch ngoại tỉnh hoặc khách đi lẻ. Sự thất thường trong lượng khách đến đây cũng như doanh thu một mặt do các yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trên thực tế do điều kiện thuận lợi về địa lí (nằm cạnh quốc lộ 1A) nên tháp cũng dễ dàng thu hút được nhiều khách, hơn nữa nếu như các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền của tỉnh có nhiều chính sách, biện pháp kinh doanh có hiệu quả cũng như sự đầu tư mang tính chiến lược hơn.

Tháp Khương Mỹ.


So với tháp Chiên Đàn thì tháp Bằng An nằm ở vị trí không thuận, tuy nhiên tháp Bằng An cũng đã thu hút được khá nhiều du khách bởi hình dáng đặc biệt của nó. Và cũng so với các di tích Chăm ở Quảng Nam thì Bằng An là một đền tháp còn nguyên vẹn nhất. Mặc dù chỉ có một ngôi tháp nhưng Bằng An vẫn thu hút được nhiều khách du lịch. Và lượng khách ngày càng tăng dần, trung bình hơn 10%/năm. Doanh thu ở đây chủ yếu từ khách quốc tế, do chủ trương của Ban Quản lý và khai thác muốn nâng cao nhận thức của người dân trong nước, đặc biệt là cư dân địa phương về các di sản văn hóa Chăm nên đã miễn vé tham quan. Lượng khách đến đây tăng đều qua các năm...

… Đến hướng đi?

Để khai thác thế mạnh của các di tích văn hóa nổi tiếng này theo các chuyên gia ngành du lịch, cơ quan chức năng cần xây dựng các chương trình du lịch với chủ đề về văn hóa Chăm. Tạo ra các chương trình du lịch chuyên về văn hóa Chăm ở Quảng Nam, có thể phối hợp với các tỉnh, thành ở miền Trung có Di sản văn hóa Chăm như: Bình Định, Nha Trang, Ninh Thuận... xây dựng các chương trình du lịch về thăm làng Chăm, tham gia lễ hội Katê... Nhằm phát huy hết mọi tiềm năng của Di sản văn hóa Chăm.

Khách du lịch quốc tế đến với khu đền tháp Mỹ Sơn


Mặt khác, cần kết hợp khai thác loại hình du lịch văn hóa Chăm với các loại hình du lịch khác. Một mặt mở rộng, khai thác nhiều di tích văn hóa Chăm liên kết, phối hợp chúng lại với nhau, mặt khác phải kết hợp loại hình du lịch văn hóa Chăm với các loại hình du lịch khác trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh, thành khác. Phải làm sao đưa du lịch văn hóa Chăm trở thành một mắt xích quan trọng đối với các sản phẩm du lịch ở Quảng Nam. Từ đó, tạo ra hiệu quả tốt trong việc kết hợp du lịch sinh thái ở Duy Xuyên, Hội An với du lịch văn hóa Chăm.

Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, bảo tồn, hướng dẫn viên có chuyên môn sâu về văn hóa Chăm. Muốn khai thác có hiệu quả Di sản Văn hóa Chăm, điều quan trọng là đội ngũ những người phục vụ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch cao, nhất là những hướng dẫn viên phải có ngoại ngữ thông thạo, đam mê và hiểu biết rõ về văn hóa Chăm. Sự đón tiếp niềm nở, thái độ hiếu khách, phục vụ tận tình của người địa phương sẽ tạo ra những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu về cung và cầu du lịch văn hóa Chăm. Đối với phát triển du lịch văn hóa Chăm mà không có khả năng hoặc không tìm hiểu và lập kế hoạch dài hạn định hướng khai thác nguồn khách sẽ có nguy cơ thất bại. Trong bối cảnh cung du lịch văn hóa Chăm ở Quảng Nam chưa thật sự mạnh, và cầu du lịch ngày càng cao cần thiết phải tạo ra được sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau cùng, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để khách du lịch quốc tế cũng như khách nội địa biết đến giá trị văn hóa đặc biệt của các tháp Chăm. Cho đến nay các tháp Chăm thực sự vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng vào phát triển du lịch tỉnh nhà do chưa có sự đầu tư và khai thác hiệu quả. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh để xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến kêu gọi các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư tôn tạo, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên du lịch quý giá này.

Dương Văn Út

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN