Lần đầu tiên phim Việt Nam được chuyển định dạng DCP- 'búa quyền năng' của các nhà làm phim Hollywood

Hai tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh là “Bao giờ cho đến tháng mười” và “Cô gái trên sông” sẽ được phục hồi, chuyển sang DCP chất lượng cao và khai thác thương mại.

Hoạt động này sẽ do Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam phối hợp với Công ty DISSIDENZ (Pháp) phối hợp thực hiện.


Theo đó, Công ty DISSIDENZ (Pháp) chịu mọi chi phí thực hiện việc phục hồi và chuyển sang DCP (Digital CinemaPackage) chất lượng cao các bản phim. Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam có trách nhiệm xây dựng phương án, phối hợp với Công ty DISSIDENZ (Pháp) khai thác hai bộ phim.


"Digital Cinema Package" (DCP), một là 'búa quyền năng' của các nhà sản xuất và phát hành phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Đây là một chuẩn nén kỹ thuật số, người ta sẽ nén bản phim hoàn chỉnh mọi công đoạn từ âm thanh, hình ảnh cho đến thông tin của bộ phim, mà chúng ta hay gọi là bản Master dưới định dạng Material eXchage Format.


Tính ưu việt của DCP là về tính tiết kiệm. Công nghệ mã hóa DCP sẽ giúp cho nhà sản xuất tiết kiệm tối đa thiết bị lưu trữ cũng như chi phí vận chuyển, ngày nay người ta có thể di chuyển một bản phim Master trị giá hàng tỉ USD trong một chiếc túi nhỏ nhắn.


Điều thứ 2 quan trọng hơn đó chính là câu chuyện về bản quyền, DCP giúp cho nhà sản xuất có thể kiểm soát tuyệt đối việc phát hành của các đại lý, mà không cần phải có sự giám sát 24/24, hay lo sợ bản quyền của mình bị lạm dụng. DCP là một công nghệ được mã hóa với chức năng đếm ngược, nó được lập trình theo thỏa thuật của nhà phát hành với đơn vị mua lại bản quyền công chiếu.


Ví dụ: Nếu đơn vị công chiếu muốn mua bản quyền phim để công chiếu trong 100 suất và ngày chiếu là 20/7/2014. Một bản master mã hóa theo thỏa thuận, kèm theo Password (KMD) sẽ được chuyển đến. Nhưng dù có Password trong tay, thì đơn vị công chiếu cũng không thể mở bản master trước ngày 20 và cũng sẽ không thể chiếu bộ phim này lần thứ 101, bởi đơn giản sau 100 lần công chiếu, bản master này sẽ tự hủy. Đó chính là điều tuyệt vời mà DCP đã mang lại cho các nhà phát hành phim, khi phát hành sản phẩm của mình.


Công nghệ DCP đã trở thành giao thức thông dụng mà các nhà làm phim thế giới dùng cho việc phát hành các tác phẩm điện ảnh của mình. Nhưng đối với Việt Nam thì DCP vẫn còn đang là điều mới mẻ, không phải vì tính cập nhật công nghệ quá chậm, mà dường như các nhà làm phim  vẫn chưa mặn mà lắm với câu chuyện bản quyền, khi hầu như các sản phẩm điện ảnh của ta hiện nay chỉ phục vụ cho hệ thống truyền hình miễn phí. Người Việt Nam đầu tiên sử dụng công nghệ mã hóa DCP chính là đạo diễn trẻ Triệu Quang Huy và công ty Film Ninja Production của anh, sử dụng cho MV ca nhạc của một nữ ca sĩ trẻ.


Nhưng để đầu tư tầm cỡ, thì đây là lần đầu tiên, với hai bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, cũng là hai phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, được thế giới đánh giá cao.

"Bao giờ cho đến tháng mười" là một bộ phim tâm lý của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ra mắt lần đầu năm 1984. Bộ phim đã được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam; được CNN xếp là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại. Lấy nhân vật chính là người phụ nữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.


Phim là câu chuyện của Duyên (do Lê Vân đóng). Trở về nhà sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam, Duyên mang trong mình nỗi đau khôn tả: Chồng chị đã hi sinh. Trên thuyền trở về, chị đã bị ngã xuống sông và được thầy giáo Khang cứu sống. Duyên giấu chuyện chồng hi sinh với mọi người trong gia đình đặc biệt là đối với người cha già đang có bệnh nặng.


Để an ủi cha, Duyên nhờ Khang viết hộ những bức thư hỏi thăm gia đình như khi chồng chị còn sống. Những bức thư này đã mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng nỗi đau thì một mình cô phải chịu đựng, nước mắt nuốt vào trong. Thế rồi, có nhiều tiếng đồn dị nghị rằng Duyên và thầy giáo Khang hai người có tư tình. Đến khi cảm thấy mình yếu, không còn sống được bao lâu, người cha chồng bảo Duyên gọi điện cho con trai về để gặp lần cuối. Đến lúc này, tin chồng Duyên đã mất không giấu được nữa...


Còn “Cô gái trên sông” cũng là một tác phẩm điện ảnh có tính đột phá, sáng tạo trong tư tưởng nghệ thuật. Phim đã gây ấn tượng mạnh mẽ và để lại dấu ấn trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

NSƯT Minh Châu, vai Nguyệt trong phim "Cô gái trên sông".

Ra đời năm 1986, bộ phim được chính đạo diễn Đặng Nhật Minh viết kịch bản, lấy từ hình ảnh
cô gái trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu “Tiếng hát sông Hương”.


Phim bắt đầu bằng cảnh trong bệnh viện Huế. Liên, một phóng viên của một tờ Tạp chí, đến thăm Nguyệt, cô gái vừa được đưa vào bệnh viện cách đây mấy hôm vì định lao vào xe tô tải để tự tử. Thì ra hai người đã quen nhau khi Nguyệt còn đang trong trại cải tạo nhân phẩm và Liên là nhà báo đến để viết một phóng sự.


Nguyệt đã kể lại cho Liên câu chuyện riêng của mình liên quan đến một người đàn ông, người mà trước đây khi Huế còn chưa giải phóng cô đã có lần cứu giúp, rồi đem lòng yêu người đó vì những lý tưởng cao đẹp mà anh theo đuổi.


Ngày ấy Nguyệt là một cô gái sống bằng nghề bán thân nuôi miệng trên sông Hương, còn người đàn ông kia là một chiến sỹ hoạt động nội thành. Anh đã gieo vào lòng cô những hy vọng về một cuộc sống đầy hoa như trong bài thơ“Tiếng hát sông Hương”mà anh đã đọc cho cô nghe. Anh hứa sẽ quay lại tìm Nguyệt. Nhưng rồi anh đã không bao giờ quay trở lại. Sau ngày Huế giải phóng Nguyệt đã cất công đi tìm anh để rồi khi tìm được thì bị anh từ chối. Người chiến sỹ kia không nhận là đã quen cô vì anh bây giờ đã là một cán bộ cao cấp trong thành phố...


Sau khi hỏi chuyện Nguyệt xong Liên viết một bài báo tố cáo, lên án sự bội bạc của người cán bộ hoạt động nội thành trước đây. Mặc dù có lệnh của trên không nên đăng bài báo đó, nhưng nhờ sự cương quyết của cả toà soạn cuối cùng nó vẫn được đăng. Đến lúc đó Liên mới biết rằng người cản trở không cho đăng bài báo của cô chính là chồng mình và anh chính là người cán bộ cách mạng bội bạc mà cô đang lên án...


PT
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Lúc nào tôi cũng như mắc nợ
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Lúc nào tôi cũng như mắc nợ

Có một điều rất đặc biệt với đạo diễn Đặng Nhật Minh, góp phần làm nên tên tuổi của ông trong làng điện ảnh, là những bộ phim đã trở nên quen thuộc với người xem… lại được chuyển thể từ chính những truyện ngắn do ông viết. Cũng vì thế mà câu chuyện khi lên màn ảnh vẫn tươi mới...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN