Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16: Bước thể nghiệm tiến tới Ngày Văn chương Việt Nam

Trong những ngày này, công chúng, nhất là người yêu thi ca cả nước đang náo nức đón chào Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 với nhiều kỳ vọng vào những thể nghiệm mới để tiến dần tới Ngày Văn chương Việt Nam.

Hài hòa giữa truyền thống và cách tân

Đã thành thông lệ hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội; các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng trên khắp cả nước. Những năm trước, Ngày Thơ Việt Nam thường diễn ra trong ngày Rằm tháng Giêng, trước đó, đêm 14 tháng Giêng diễn ra các chương trình văn nghệ tôn vinh thi ca. Xuân Mậu Tuất 2018, Ngày Thơ Việt Nam vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có song các hoạt động của Ngày thơ được mở rộng với nhiều nét đổi mới, đa dạng, hấp dẫn hơn.

Người yêu thơ tìm hiểu về chân dung hơn 200 nhà thơ tiêu biểu trong làng thi ca Việt Nam cùng tác phẩm hay của họ được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trước khi khai hội ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2 buổi hội thảo về thơ và văn xuôi với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” và “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Các câu lạc bộ thơ sẽ thực hiện hoạt động thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật.

Ngày Thơ Việt Nam năm nay có sự tham gia của 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản. Họ sẽ gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở hai sân thơ. Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, Ban tổ chức thực hiện triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Để thu hút công chúng yêu văn thơ đến với Ngày Thơ năm nay, bên cạnh giấy mời tới các đại biểu, khách mời, Hội Nhà văn Việt Nam phát hành thêm 1.500 giấy mời tới thành viên các câu lạc bộ thơ. Có 17 trong số các tiết mục trình diễn trong Ngày thơ Việt Nam là đọc thơ, diễn thơ do một số nhà thơ gần gũi với công chúng, chủ nhiệm các câu lạc bộ thơ phụ trách nên tính đại chúng khá cao. Ban tổ chức dựng 34 ki ốt thơ để phục vụ sinh hoạt văn thơ của các câu lạc bộ.

Một số năm trước, biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam từng được chọn là con hạc, chiếc nón… Năm nay, “cánh buồm thơ” là phương án trưng bày và cũng là biểu tượng của Ngày thơ. Việc chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ vẫn được giữ nguyên. Đây đều là những câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, khuynh hướng, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước, nhất là những vấn đề xã hội đang quan tâm.

Chương trình nghệ thuật tại 2 sân thơ cũng được Ban tổ chức lựa chọn rất kỹ lưỡng. Năm nay chỉ có một đơn vị là Học viện Múa Việt Nam được lựa chọn điều hành chương trình thay vì nhiều đơn vị như trước. Điều này sẽ giúp cho chương trình diễn ra thống nhất theo hướng trú trọng việc đọc, trình diễn thơ. Bên cạnh đó, các tiết mục trình diễn sẽ được bố trí hài hòa, hấp dẫn ở cả hai sân thơ nhằm tạo không khí thêm sôi động, thu hút công chúng...

Tiến dần tới Ngày Văn chương Việt Nam

Những năm gần đây, Ngày thơ Việt Nam luôn hướng tới sự hòa hợp giữa thơ và văn xuôi. Đặc biệt với chủ đề “Văn học đồng hành cùng đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam năm nay đã có những bước tiến quan trọng, thể hiện ước vọng tiến dần đến Ngày Văn chương Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: Lâu nay chúng ta mới chỉ làm Ngày Thơ Việt Nam theo nghĩa tôn vinh thi ca, đưa thi ca tới gần hơn với công chúng. Năm nay, Ngày Thơ sẽ được tổ chức như một hình thức thể nghiệm tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.

Năm nay lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 27/2 - 2/3, tức ngày 12 - 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất. Từ năm nay trở đi, Ngày Thơ Việt Nam sẽ bắt đầu với 2 hội thảo về thơ và văn xuôi thống nhất diễn ra trong các ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm. Mỗi năm các hội thảo này có chủ đề, cách làm khác nhau để thu hút ngày càng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, công chúng…tham gia, hưởng ứng.

Năm nay cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội không tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày thơ mà cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Tất cả thiết kế, trang trí trong Ngày Thơ Việt Nam cũng thành một tổ hợp thống nhất. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngày thơ sẽ có một không gian liên thông giữa hồ Ngân và hồ Văn, giữa Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ, giữa khu vực tiến hành nghi thức thả thơ và khu vực dành cho các câu lạc bộ.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 đang đến rất gần. Hy vọng những bước thể nghiệm, sáng tạo của đơn vị tổ chức sẽ gặt hái được thành công, để Ngày Thơ Việt Nam có thể sớm đến gần hơn với quảng đại quần chúng, trở thành Ngày Văn chương Việt Nam.

Mỹ Bình (TTXVN)
Ngày thơ Việt Nam sôi nổi tại các địa phương
Ngày thơ Việt Nam sôi nổi tại các địa phương

Ngày 11/2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017 tưng bừng khai mạc với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”. Dịp này, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng sôi nổi và thiết thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN