Nhà hát Tuổi trẻ quyết định vẫn ‘Tin ở hoa hồng’

Mở đầu buổi họp báo với “bộn bề” các nội dung thay đổi, ra mắt của Nhà hát Tuổi trẻ sáng 20/11 là trích đoạn vở diễn “Tin ở hoa hồng”, như một thông điệp của lãnh đạo và tập thể nghệ sĩ nhà hát muốn gửi gắm tới khán giả của mình: Dù có lúc nghệ thuật bị “rẻ rúng”, dù có lúc hoa hồng bị coi là “chẳng có giá trị gì”; nhưng những nghệ sĩ vẫn luôn có một niềm tin vào “hoa hồng”, vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Và niềm tin ấy chính là “ngọn lửa” giúp cho đội ngũ Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục “nghiệp” và “nghề” của mình trong 40 năm qua (1978-2018); giúp cho họ, trong bối cảnh đầy khó khăn hôm nay, vẫn quyết tâm “thay đổi để phù hợp, thay đổi để phát triển và thay đổi để hội nhập”.

Đưa công nghệ thông tin vào quảng bá

Sau rất nhiều ấp ủ, hệ thống bán vé trực tuyến của Nhà hát Tuổi trẻ đã chính thức ra mắt, tại địa chỉ : www.datve.nhahattuoitre.vn ; với mục đích cung cấp cho khán giả yêu sân khấu một phương thức mua vé thân thiện thuận tiện, hoạt động 24/7. Đồng thời, trên trang bán vé trực tuyến này cũng liên tục cập nhật lịch diễn các chương trình mới của Nhà hát, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông của khán giả không có thời gian trực tiếp đến phòng vé của Nhà hát.

Chú thích ảnh
Vở diễn "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Nhà hát Tuổi trẻ

Theo ông Thế Toàn, đại diện Nhà hát: Khán giả có thể vào địa chỉ website của Nhà hát hoặc địa chỉ nói trên; đều có thể đặt vé trực tuyến. Tại trang đặt vé trực tuyến này, khán giả sẽ thấy thông tin đầy đủ của các vở diễn đang “đỏ đèn” để chọn lựa vở phù hợp; đồng thời có thể chọn ngày diễn, suất diễn, vị trí chỗ ngồi… tất cả đều trên online. Việc thanh toán vé cũng sẽ được thực hiện online ngay sau đó. “Cách làm này phù hợp với thực tế hiện nay, khi CNTT đã rất phát triển và khán giả thì ngày càng thiếu thời gian để đi lại, chọn mua vé”, ông Toàn cho biết.

“Cùng với việc ra mắt hệ thống đặt vé online; hiện tại Nhà hát vẫn đang duy trì các kênh thông tin quảng bá trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Instagram… của mình; để không ngừng tăng sự tương tác với khán giả”, đại diện lãnh đạo Nhà hát chia sẻ.

Bên cạnh việc bán vé trực tuyến, nhằm “đổi mới” hình ảnh, Nhà hát Tuổi trẻ cũng vừa chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu (logo) mới. Vẫn giữ “hồn cốt” của logo với hai mặt bi-hài đặc trưng của sân khấu, nhưng màu sắc trên logo đã được phối lại nổi bật hơn, tươi trẻ hơn. Cùng với đó, 1 “nốt nhạc” ẩn giấu trong logo cũng như “dấu hiệu” cho một hướng đầu tư mở rộng của Nhà hát trong tương lai.

Không gì mạnh hơn những vở diễn

Quả thật như vậy, dù đổi mới thế nào, mà chất lượng vở diễn không “ổn” thì vẫn rất khó kéo được khán giả đến với sân khấu. Chính vì vậy, hướng đầu tư “trọng điểm” của Nhà hát vẫn là kịch mục.

Chú thích ảnh
"Cậu Vanya" - vở diễn phối hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Không tường – Nhật Bản.

Theo chia sẻ của NSƯT Chí Trung, giám đốc Nhà hát, từ đầu năm 2018 đến nay, Nhà hát có tần suất hoạt động liên tục với nhiều chương trình đặc sắc phục vụ nhiều độ tuổi khán giả trên địa bàn cả nước. Và từ giờ đến cuối năm, tần suất này cũng không giảm. Bắt đầu từ ngày 13/12/2018, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tổ chức chuyến lưu diễn tại TP Hồ Chí Minh với các vở của kịch của tác giả Lưu Quang Vũ: “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (HCV Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018), cùng thương hiệu hài kịch nổi tiếng “Đời cười”.

“Tin ở hoa hồng” của tác giả Lưu Quang Vũ, do đạo diễn NSƯT Chí Trung dàn dựng, cũng là một trong những kịch mục luôn “hot” của năm 2018. Đây là vở diễn được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng về mặt nghệ thuật cũng như hình thức thể hiện với phần âm nhạc của nhạc sĩ Tiến Minh, thiết kế mỹ thuật của NSƯT Doãn Bằng, hình ảnh của Duy Đông. Vở diễn chuyển tải sức sống, lan tỏa niềm tin và các giá trị tốt đẹp tới xã hội. Có thể nói, đây là vở diễn của thanh niên, gây cảm hứng cho tuổi trẻ, gửi gắm tới các thế hệ trẻ đồng thời cũng là những ước vọng của các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ luôn luôn “Tin ở hoa hồng” trong sứ mệnh của mình, như đã nói ở trên.

Năm 2018, Nhà hát Tuổi trẻ cũng triển khai dự án dàn dựng, biểu diễn vở kịch “Cậu Vanya” của nhà văn Nga A.P Chekhov; phối hợp với Nhà hát Không tường – Nhật Bản. Vở kịch do đạo diễn sân khấu đương đại nổi tiếng Tsuyoshi Sugiyama cùng đội ngũ chuyên gia sân khấu hàng đầu Nhật Bản tham gia dàn dựng, quy tụ các diễn viên của Nhật Bản và Việt Nam cũng tham gia trình diễn: Hemi Che, Matsuda Takashi, NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, Thu Quỳnh, Quỳnh Dương, Thanh Dương, Tú Oanh, Thanh Bình, Hương Thủy… Sau 3 tháng tập luyện khắt khe với quy chuẩn sân khấu của Nhật Bản, hiện tại vở diễn đã hoàn tất và sẽ bắt đầu lưu diễn tại Hà Nội (30/11 -1,2/12), Quảng Ninh (4/12) và Hải Phòng (6/12) và sẽ tiếp tục lên đường chinh phục khán giả Nhật Bản trong năm 2019.

Cuối cùng, khép lại năm 2018, Nhà hát sẽ ra mắt chương trình ca múa nhạc với tên gọi “Nàng Việt” hướng tới đối tượng khán giả trẻ với những nhạc phẩm mới nhất của các nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng: Lưu Thiên Hương, Khắc Hưng, Đinh Mạnh Ninh, Hồ Hoài Anh, Tiên Cookie, Da Lab…

PV/Báo Tin tức
Thời gian bao lâu thì hoàn tất việc chuyển mạng giữ nguyên số?
Thời gian bao lâu thì hoàn tất việc chuyển mạng giữ nguyên số?

Bạn đọc hỏi: Nếu tôi muốn chuyển sang mạng khác nhưng vẫn giữ nguyên số, thủ tục bao gồm những gì và bao lâu sẽ hoàn tất chuyển mạng?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN