Ra mắt bức tranh 'Đạo pháp và dân tộc' nhân Lễ Phật đản và 129 năm ngày sinh Bác Hồ

Bức tranh sơn ta “Đạo pháp và dân tộc” đã được công bố ra mắt vào tối 10/5, tại Học viện Phật Giáo Việt Nam, Sóc Sơn, Hà Nội.

Tối ngày 10/5/2019, tại Học viện Phật Giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội), đã diễn ra nghi thức trang trọng, linh thiêng của Đại lễ kính mừng Phật đản với sự tham dự của Hoà thượng, tiến sĩ Thích Thanh Đạt, Uỷ viên thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng toạ, tiến sĩ Thích Thanh Quyết- Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các vị cán bộ lão thành các cấp cùng hàng trăm tăng ni phật tử tham dự sự kiện. 

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đã dành một phần đặc biệt để công bố ra mắt bức tranh sơn ta “Đạo pháp và dân tộc” với quan khách và các tăng ni phật tử.

Bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” có chiều cao 2 mét, chiều ngang 4,2 mét, tổng diện tích 8,4 mét, được thực hiện trên chất liệu sơn mài với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, đã được 6 hoạ sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt 1 tháng qua. Đặc biệt, Thượng toạ Thích Thanh Quyết chính là người đã đặt những nét vẽ đầu tiên để “khai bút” cho qúa trình thực hiện tranh. Bức tranh gây chú ý khi được vẽ một bên là Phật Thích Ca Mâu Ni, một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân.

Chú thích ảnh
Thượng toạ Thích Thanh Quyết công bố ra mắt bức tranh sơn ta “Đạo pháp và dân tộc”.

“Đạo pháp và dân tộc” là tác phẩm được xây dựng dựa trên sáng kiến của Nhà đầu tư Hà Huy Thanh, Chủ tịch công ty đầu tư và phát triển nghệ thuật Việt Nam (The Art I&D), cháu của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập; sự ủng hộ của Thượng tọa Thích Thanh Quyết cùng đông đảo cán bộ và tăng ni sinh của Học viện Phật Giáo Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” có chiều cao 2 m, chiều ngang 4,2 m, tổng diện tích 8,4 m2.

Bức tranh được nữ họa sỹ Ngô Hải Yến cùng nhóm họa sỹ tài năng và tâm huyết thực hiện để đón chào Ngày sinh Bác Hồ, đặc biệt ngày 19/5 năm nay cũng là ngày Phật Đản và cũng trùng vào dịp Lễ quốc tế Phật Đản được tổ chức tại Việt Nam. Bức tranh có bố cục trọng tâm là bánh xe chuyển pháp luân nói lên sự vận động của quy luật nhân quả, sinh diệt mà chúng sinh nếu giác ngộ được Phật Pháp thì sẽ nương theo quy luật để vươn lên theo ánh sáng của Từ bi và trí tuệ.

Chú thích ảnh
Bức tranh 'Đạo pháp và dân tộc' được 6 hoạ sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt 1 tháng qua.

“Bức tranh là tấm lòng của những người con đất Việt từ nhà sư, nhà giáo, nhà doanh nghiệp cùng hàng trăm tăng ni sinh và đông đảo người tham gia để dâng lên các bậc bề trên trong dịp đại lễ đặc biệt của nước Việt và cả thế giới. Chúng tôi hy vọng hội họa sẽ là cây cầu kết nối những tấm lòng, mang thông điệp từ bi và trí tuệ đến cho mọi người như một nguồn năng lượng mới, nguồn năng lượng Tình thương”, Nhà đầu tư Hà Huy Thanh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Thượng tọa Thích Thanh Quyết trả lời phỏng vấn báo chí.

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết: “Toàn bộ bức tranh là trí tuệ, chất liệu tâm huyết của người Việt Nam vẽ Đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay ngày sinh của đức Phật và chủ tịch Hồ Chí Minh lại trùng nhau, hiếm có ngày nào như vậy, vì vậy tâm thành của các cư sĩ Phật tử, tri thức và các hoạ sĩ đã vẽ một bức tranh đặc biệt như vậy.

Đây là bức tranh đặc biệt có ý nghĩa, đức Phật tổ Thích Ca và Bác Hồ đều là những vị cứu tinh của nhân loại, càng có ý nghĩa hơn khi đúng với tinh thần của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là “Đạo pháp và dân tộc”, Đức Phật biểu trưng cho Đạo pháp, Bác Hồ tượng trưng cho tinh thần dân tộc.

Con người Việt Nam ta luôn luôn lấy tinh thần Phật tổ và tư tưởng của Hồ Chí Minh làm điểm tựa tinh thần để sống và làm việc, vươn lên, cho nên đây là một bức tranh rất ấn tượng. Giữa bức tranh lại có bánh xe pháp luân biểu tượng cho sự vận động, sự chuyển hoá từ xấu thành tốt, từ nghèo đói thành giàu sang, chuyển hoá từ một cõi từ chúng sinh thành thánh thiện, thành Phật. Cả đức Phật Thích Ca hay Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường phải vận dụng, phải vận chuyển đó để đưa đất nước, con người Việt Nam vào cảnh giới an lành hạnh phúc”.

Chú thích ảnh
Nghi lễ diễn ra trang trọng và linh thiêng.

Sau khi công bố tại Đại lễ Kính mừng phật đản và triển lãm tại Học viện phật giáo Việt Nam, bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” sẽ cùng 19 bức tranh về Bác Hồ của nền hội hoạ Đông dương- kháng chiến lần đầu được công bố và 19 bức tranh vẽ Bác Hồ của các hoạ sĩ đương đại sẽ được đưa về Nhà hát lớn Hà Nội triển lãm vào ngày 18/5/2019 tới đây.

Với triển lãm, những hình ảnh của Bác được các họa sỹ thể hiện trong các tác phẩm từ nền hội hoạ Đông Dương, hội họa kháng chiến, hội hoạ Đương Đại… sẽ khiến hậu thế lại ngỡ ngàng hạnh phúc khi ý niệm về Bác trong các thế hệ vẫn chung một ý niệm về một bậc giác ngộ. Bác trong hội họa, từ những hình ảnh đời thường ngồi đọc tài liệu, câu cá, thăm người già, đi thị sát chiến dịch đến khi đọc tuyên ngôn khai sinh đất nước, chỉ đạo trận địa... đều hiện lên một vẻ từ bi và trí tuệ, thấm đẫm tình thương.

Video phát biểu của Thượng tọa Thích Thanh Quyết về bức tranh:

Vide công bố ra mắt bức tranh:

 

TTXVN/Báo Tin tức
Chúc mừng các chức sắc tôn giáo dịp Đại lễ Phật đản năm 2019 - Phật lịch 2563
Chúc mừng các chức sắc tôn giáo dịp Đại lễ Phật đản năm 2019 - Phật lịch 2563

Chiều 10/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp mặt các vị chức sắc trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ban Trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh Vĩnh Long nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2019 - Phật lịch 2563.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN