Ninh Bình:

Xử lý chèo kéo, ép khách trong mùa lễ hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Hữu Bình khẳng định, tỉnh tăng cường gần 10 đội kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, đưa việc kinh doanh dịch vụ du lịch đi vào nề nếp; ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi trường hợp chèo kéo, ép khách mua hàng, chụp ảnh, đi xe ôm, trông giữ xe trái phép.

Một góc chùa Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Từ nay cho đến hết tháng 3 âm lịch, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng tâm thần, ăn xin, lang thang cơ nhỡ hoạt động tại các danh lam thắng cảnh, trọng tâm là Khu văn hoá tâm linh núi chùa Bái Đính; đền thờ Vua Đinh, Vua Lê; Khu danh thắng cấp Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; Vườn Quốc gia Cúc Phương; Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm..., coi đây là khâu đột phá để kích cầu du lịch, đặc biệt là trong mùa lễ hội du Xuân, đón Tết.

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường lắp đặt công khai các bảng thông báo nội quy khu du lịch, quy chế hoạt động, giá cả của từng loại dịch vụ tại các khu vực đông người qua lại để nhân dân và khách du lịch biết, thông báo cho Ban Quản lý ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm; tiến hành lắp đặt một số nhà vệ sinh di động, thùng chứa rác tại khu vực bến đỗ xe, cắm biển hướng dẫn du khách thăm quan Bái Đính Tân Tự, Bái Đính Cổ Tự, Giếng Ngọc được thuận tiện.

Sở Giao thông vận tải lắp đặt 10 biển chỉ dẫn đi vào chùa Bái Đính và các biển cảnh báo đông người, biển hạn chế tốc độ các loại phương tiện lưu thông tại ngã ba cầu Ghềnh Tháp, Cầu Đen, Ngã ba đầu đường đôi khu vực bờ sông Hoàng Long đến bến đỗ xe mới nhằm phân luồng hợp lý, chống ùn tắc giao thông

Với mục tiêu năm 2013 thu hút khoảng 4 triệu lượt khách trong và ngoài nước, tỉnh đã xây dựng biểu tượng và tiêu đề du lịch "Ninh Bình - Non nước hữu tình" làm cơ sở cho việc quảng bá thương hiệu kết hợp với xúc tiến du lịch ở thị trường quốc tế trọng điểm như Pháp và Tây Âu, khu vực Bắc Mỹ, Đông Bắc Á; Australia và Newzeland.

Cùng với đó, hoạt động quảng bá du lịch trong nước cũng được địa phương chú trọng với việc ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế.

Kết thúc năm 2012, tuy chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng số lượng khách du lịch đến Ninh Bình vẫn đạt hơn 3,7 triệu lượt người, tăng 17% so với năm 2011. Doanh thu du lịch đạt trên 770 tỷ đồng, tăng 18,5%. Hệ thống chỉ dẫn địa lý, in ấn tài liệu thông tin về du lịch Ninh Bình được xây dựng tập trung vào 5 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Nhật, Trung với nội dung, hình ảnh phong phú, hấp dẫn, phù hợp đặc điểm từng thị trường khách mục tiêu.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch được tổ chức thường xuyên và thực hiện sát với nhu cầu thực tế giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng giao tiếp ngoại ngữ của đội ngũ lao động ngành du lịch, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của Ninh Bình trong thời gian tới.


Vũ Anh Minh


Lễ hội chùa Hương năm 2013:Sẽ khắc phục tình trạng chèo kéo khách

Ngày 21/1, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: Hiện tượng chèo kéo khách ở lễ hội chùa Hương vẫn còn. Vào những ngày khách đông, các chủ đò đều có việc làm, thì hiện tượng này ít.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN