04:14 20/04/2019

Đổi thay trên vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng

Xã Mường Phăng nằm cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40 km, trải qua 65 năm, danh xưng Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã vượt qua giới hạn không gian, thời gian, trở thành địa điểm không những người dân trong nước mà bạn bè quốc tế đều biết đến bởi đây là địa danh gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Mường Phăng được chọn để xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch nằm trong khu rừng già dưới chân của dãy núi vùng cung Pú Đồn. Tại đây, cơ quan đầu não của quân đội ta đã "đóng chốt" 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954), đây là địa điểm "đóng chốt" thứ 3 và là địa điểm cuối cùng cho đến khi chiến dịch kết thúc, chiến thắng. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách, đường lối quyết định để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trải qua 65 năm với sự chung tay, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và người dân các cộng đồng dân tộc Kinh, Thái, Mông… vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đã đổi thay, có nhiều khởi sắc. Điều đặc biệt, Mường Phăng luôn là “địa chỉ đỏ” thu hút du khách trong và ngoài nước tìm về khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên bởi nơi này sở hữu nhiều di tích trong Quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Để đến được vùng đất Mường Phăng (phiên âm tiếng Thái là “Mương Phăng”- có nghĩa là “nghe ngóng”) có thể di chuyển từ Quốc lộ 279, đoạn thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên (gần cụm di tích Tượng đài kéo pháo trên triền đồi Pó Hôm, nơi anh hùng Tô Vĩnh Diện đã anh dũng hy sinh), sau đó theo tỉnh lộ 3 vào địa bàn xã Mường Phăng. Hoặc có thể theo tuyến đường bộ phía Đông Nam của thành phố Điện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng, men theo lòng hồ Pá Khoang rồi vào xã Mường Phăng.

Sau hành trình vượt hàng chục km đường quanh co ven lòng hồ Pá Khoang (có nghĩa tiếng Thái là “rừng trúc”) ẩn mình dưới những tán rừng đặc dụng xanh ngát; đi qua các bản Đông Mệt 1, Đông Mệt 2, Đông Mệt 3 (xã Pá Khoang, huyện Điện Biên), chúng tôi đến địa bàn xã Mường Phăng. Khi trời còn tờ mờ sáng, sương đêm và hơi nước vẫn còn lẩn quất trên đường thì các hộ dân sống trong những căn nhà sàn trên lưng đồi đã gọi nhau thức giấc, chuẩn bị đi nương rẫy.

Nằm ở vị trí “cửa ngõ” của vùng đất lịch sử Mường Phăng, bản Bua thật ấn tượng trong mắt chúng tôi bởi vẻ đẹp yên bình của những nếp nhà sàn nằm san sát hai bên đường. Trên nóc nhà dân, biểu tượng Khau - cút của văn hóa Thái cũng được trang hoàng, sửa sang lại mới mẻ. Quang cảnh ruộng đồng xanh mướt một màu, chạy dài vào tận thung lũng.   

Đến chợ Trung tâm xã Mường Phăng, chúng tôi bắt gặp cảnh nhộn nhịp người bán, kẻ mua và “lạc” mắt trước sắc thổ cẩm của trang phục của người dân mặc khi xuống núi, ra chợ. Sản phẩm, hàng hóa bày bán ở chợ là sản vật đặc trưng, quen thuộc gắn với đời sống, sinh hoạt của bà con dân tộc như: Quần áo thổ cẩm, mật ong rừng, gia súc, gia cầm và nhiều nông cụ như: Dao, cuốc... Nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ cho biết, sau bao năm tồn tại, đến nay chợ trung tâm đã được quy hoạch lại khang trang, rộng rãi hơn, hợp vệ sinh và trở thành trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân trong xã.  

Chú thích ảnh
Cánh đồng rộng lớn tại xã Mường Phăng. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Trên đường vào bản Che Căn, ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Mường Phăng là một thung lũng khá bằng phẳng, có tổng diện tích tự nhiên gần 3.500 ha, chiếm hơn 2% diện tích toàn huyện Điện Biên. Địa bàn có hơn 1.100 hộ với gần 5.300 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Kinh, Mông, Thái. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp. Những năm qua, nhờ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp quan tâm đầu tư đã tạo tiền đề giúp Mường Phăng phát triển kinh tế đa dạng hơn, phát huy được tiềm năng, nội lực sẵn có.

Là một trong 26 thôn, bản của xã Mường Phăng, bản Che Căn tựa lưng vào dãy núi Pú Đồn, nơi có đỉnh Pú Huốt cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Tại đỉnh cao nhất này, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt Đài quan sát để theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh. Ngày nay, ở vị trí cao nhất của đỉnh núi ấy, vào hôm trời quang mây, có thể nhìn thấy những đám khói đốt đồng tại lòng chảo Mường Thanh.

Là bản văn hóa truyền thống nên đặc trưng của bản Che Căn còn lưu giữ nhiều nét Thái cổ như kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội và các nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, chế tác nhạc cụ... Nhịp sống, quang cảnh ở Che Căn hiện lên trong mắt chúng tôi là những con đường bê tông sạch sẽ chạy vào tận ngõ nhà dân, nơi những nếp nhà sàn rêu phong có những khóm dong riềng trổ hoa đỏ, những cây mận đang trĩu quả đầu hồi, nhiều chị em phụ nữ đang thêu thùa, may vá bên hiên nhà...

Ông Lường Văn Lả, bản Che Căn, xã Mường Phăng bồi hồi nhớ lại, nguyên gốc hai từ “Che Căn” là “Che Cẳn”, trong đó “Pảy Che” nghĩa là che chở cho nhân dân, “cẳn” là ngăn cản giặc ngoại xâm, “Che Cẳn” có nghĩa là “che chở cho nhân dân ngăn cản giặc ngoại xâm”. Bản Che Căn hiện có hơn 100 hộ với hon 400 nhân khẩu; đây là một trong số ít những bản có từ trước năm 1954. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cảnh bản làng hoang vắng, dân cư thưa thớt, sinh sống trong mấy căn nhà sàn nhỏ, đơn sơ. Thời điểm ấy, rừng núi âm u bao bọc xung quanh bản, đời sống dân cư khó khăn, chủ yếu là làm nương, trồng ngô, sắn. Nhà sàn của người dân khi đó cũng chỉ là lợp tranh, thưng ván là tre nứa, cột kèo là những cây gỗ nhỏ dựng cất theo kiểu tạm bợ. Sau năm 1954, người dân trong bản mới có điều kiện làm nhà sàn to hơn, vững chãi hơn, thưng ván và hệ thống cột, kèo bằng gỗ to khai thác từ rừng. Cuộc sống phát triển hơn với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, khai hoang diện tích trồng lúa nước, trồng cây ăn quả… Hiện nay, chính quyền địa phương đã xác định và triển khai những mô hình để Che Căn trở thành bản kiểu mẫu trong loại hình du lịch cộng đồng, trở thành điểm dừng chân lý tưởng đối với khách du lịch khi đến Điện Biên.

Chú thích ảnh
Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp tại xã Mường Phăng. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Trên con đường bê tông rộng, sạch đẹp đi qua các bản Phăng 1, Phăng 2 chúng tôi đến Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên. Sau 65 năm, dưới tán rừng của đại ngàn Mường Phăng cảnh quan thiên nhiên, khuôn viên các lán trại, công sự trong khu di tích sở Chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn được gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên. Thăm lán ở và làm việc của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, hệ thống lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trạm gác tiền tiêu, Cơ quan thông tin, Lán tác chiến hội trường, Lán cơ quan chính trị và Đường hầm xuyên núi dài 69m, nối Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái… chúng tôi và du khách đã có thể hình dung rõ hơn về cuộc sống khó khăn, gian khổ của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ và càng hiểu, trân trọng hơn chiến thắng mà cha ông đã phải đánh đổi bằng xương máu để cho con cháu có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay.

Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý và Bảo vệ di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng cho biết: Mường Phăng là địa bàn có nhiều di tích thuộc Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gồm: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bãi duyệt binh, Quảng trường mừng công chiến thắng, Trạm quan sát trên đỉnh Pú Huốt… Những năm qua, vào các dịp lễ, Tết và gần đến ngày 7/5, Tổ quản lý và bảo vệ di tích đã triển khai việc quét dọn, vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên di tích; phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn đảm nhận công việc quét dọn, thu gom rác, cắt tỉa hệ thống cây xanh ở các di tích; thống nhất với UBND xã Mường Phăng, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã có phương án bảo vệ cho du khách tham quan, phòng chống cháy nổ túc trực thường xuyên ở các di tích. Hiện, Tổ quản lý và bảo vệ di tích được trang bị 20 bình chữa cháy để ứng cứu, phòng khi xảy ra cháy nổ xảy ra.

Nhiều năm qua, các di tích thành phần của Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng đã phát huy vai trò là hệ thống di tích trọng điểm, thu hút du khách về với xã Mường Phăng. Đặc biệt, trong những ngày lễ lớn như dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, đặc biệt là dịp 7/5, địa bàn đón từ 2.000 dến 2.500 lượt du khách/ngày, chiếm hơn 40% khách du lịch đến với Điện Biên trong các ngày nghỉ lễ.

Nhận thức được tầm quan trọng, thế mạnh để phát triển du lịch ở địa bàn từ hệ thống di tích lịch sử này, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân ở Mường Phăng đã đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách bằng việc xây dựng nhiều khu du lịch cộng đồng gắn với khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững, tôn trọng yếu tố tự nhiên, môi trường. Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các cấp, ngành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, xây dựng nền tảng văn hóa ứng xử văn minh để tạo ấn tượng tốt đẹp, thân thiện với du khách khi đến Mường Phăng.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên cho biết: Du khách khi về Mường Phăng, ngoài việc được tham quan các di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt thuộc quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ còn được trải nghiệm, hòa mình vào các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Xên bản, Xên mường, Cầu mưa; được thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ, các giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian và trải nghiệm thực tế với nhiều nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn đang được bảo tồn, gìn giữ ở các bản.

Chú thích ảnh
Những căn nhà mới được xây dựng trên vùng đất căn cứ địa cách mạng. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã Mường Phăng giảm từ 3% đến 5%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ hơn 42% (năm 2011) xuống còn hơn 10% (năm 2019); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên đến 30 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Hệ thống giao thông trên địa bàn đã được sửa chữa, nâng cấp khang trang với việc nhựa hóa hoặc bê tông hóa 37 km nối từ trung tâm xã đến huyện. Tỷ lệ đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 90% với hơn 43 km. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 98%. 5/5 trường học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đều đạt trường chuẩn quốc gia. Hiện tại, xã Mường Phăng có gần 500ha lúa hai vụ, nâng tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt hơn 2.560 tấn/năm, bình quân đầu người đạt 5,3tạ/người/năm.

Ngoài ra, xã Mường Phăng trồng được 229 ha cây lấy bột, có gần 40 ha rau màu, 25 ha cây ăn quả, hơn 63 ha nuôi thủy sản. Trong chăn nuôi, Mường Phăng có tổng đàn gia súc gần 5.900 con, hơn 63.100 con gia cầm các loại.

Để khai thác, phát huy hết tiềm năng sẵn có, địa phương đã xây dựng, mở rộng nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, ổn định, như mô hình nuôi cá, lợn rừng, nhím, hồng xiêm, mắc cọp, mận... Đến nay, xã Mường Phăng đã đạt được 19/19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới với 44/49 chỉ tiêu đạt gần 90%.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Mùa A Kềnh, những thành quả trên là nhờ Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn đã đoàn kết, quyết tâm phấn đấu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội… để đưa một xã khó khăn ở vùng ngoài lòng chảo ngày càng đổi thay, cuộc sống người dân càng ấm no.

Hải An - Tuấn Anh (TTXVN)