Du lịch thông minh: Tiềm năng nhiều, phát triển còn sơ khai

Thị trường du lịch Việt Nam đang có nhiều thay đổi do sự phát triển của công nghệ, nhất là du lịch trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp, địa phương lựa chọn mô hình du lịch thông minh để đón đầu xu hướng phát triển bền vững.

Bài 1: Xu hướng của tương lai

Du lịch thông minh tại Việt Nam đang phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin kết hợp với du lịch truyền thống; với sự tích hợp dữ liệu 3 nền tảng là đơn vị quản lý, doanh nghiệp du lịch, du khách.

Nhiều lợi thế

Theo thống kê Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và con số này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên lới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.

Du khách tham quan di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN.

Một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới.

Chị Lê Phương Dung, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Đống Đa (Hà Nội) mới đây đặt tour đi Singapore, tất cả đặt vé, khách sạn đều đặt qua mạng. "Trước khi đặt vé, tôi có lên mạng tham khảo giá tại các trang mạng như tripi, ivivu... Khi sang nước ngoài, tùy theo quỹ thời gian, tôi và các bạn bè sẽ đặt tiếp dịch vụ bên đó. Các dịch vụ hầu hết có thể đặt trên mạng tiện lợi", chị Phương Dung cho biết.

Đặt dịch vụ du lịch trực tuyến đang là xu hướng của giới trẻ, theo thống kê, đến 70% người trẻ dùng internet dưới 35 tuổi và đây là đối tượng thường xuyên sử dụng smartphone. Đây sẽ là đối tượng  sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến tiềm năng trong thời gian tới. Đón đầu xu hướng này, một số doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Việc ứng dụng này ở các mức độ khác nhau tại hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018. Hãng hàng không Vietnam Airlines không để quầy bán vé truyền thống như trước mà cung cấp 20 máy tính, phát mã giảm giá cho khách mua vé trực tuyến. Hãng hàng không Jetstar cũng tung ra hàng trăm vé giá rẻ được bán theo phương thức áp dụng mã QR.

Phương thức thanh toán bằng mã QR cũng được nhiều công ty lữ hành áp dụng cho tour ưu đãi bán tại hội chợ. Không cần mang ví, khách hàng cũng có thể mua tour và trả tiền qua chiếc điện thoại thông minh. Đơn cử như Vietravel có trải nghiệm ứng dụng đặt tour trực tuyến trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Đến nay, lượng khách đặt tour trực tuyến của Vietravel đạt trên 20% doanh thu, tỷ lệ đặt tour trực tuyến tăng trung bình khoảng 5%.

Hay tại Transviet, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc công ty cho biết, trên trang web của lữ hành, du khách dễ dàng tìm tour bằng vào click chuột, đăng ký trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Công ty còn tạo ra app trên điện thoại để khách hàng tra cứu và đặt tour. Qua đó, tích hợp thông tin cá nhân của du khách để nắm rõ hơn nhu cầu nhằm chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Doanh nghiệp Việt vẫn lép vế trên sân nhà

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cho dịch vụ du lịch trực tuyến tại các doanh nghiệp vẫn đang mạnh ai người đó làm. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc HanoiRedtour cho biết: Quan sát trên hệ thống đặt tour trực tuyến của đơn vị cho thấy, đa phần khách hàng mới chỉ tìm thông tin và đăng ký giữ chỗ. Còn các thanh toán thì vẫn đến trực tiếp giao dịch. Do đó du lịch trực tuyến tại Việt Nam chưa phát triển đúng nghĩa. Một phần do khách hàng vẫn thiếu niềm tin vào nhiều hạng mục dịch vụ.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết: Thực tế ngành du lịch đã triển khai ứng dụng thông minh nhưng với các mức độ khác nhau. Chúng ta chỉ mới ở mức dừng ở ứng dụng ban đầu, chưa đủ lớn để tạo ra tích hợp, ứng dụng thông minh. Hiện nay, khách du lịch trong nước và quốc tế mua bán, thanh toán và phản hồi qua môi trường số ngày càng tăng. Việt Nam đang có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, 10 sàn giao dịch này mới thực hiện khoảng 20% giao dịch, các dịch vụ còn lại thuộc về các sàn giao dịch nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), du lịch trực tuyến là cuộc chơi đầy thử thách. Những doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào du lịch trực tuyến vô cùng dũng cảm. Hiện vẫn chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến.

Du lịch trực tuyến được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng gần 30% so với năm 2016, trong đó, gần 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua Internet.

Khách du lịch trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Dự báo của VECOM, Google cho thấy, đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó, riêng du lịch trực tuyến đạt 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam.

Để doanh nghiệp Việt không thua ngay trên “sân nhà” trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định: “Đây là cuộc chơi đầy thử thách”. Nguyên nhân đầu tiên là về công nghệ bởi đây là cuộc chơi toàn cầu. Không có khái niệm du lịch trực tuyến chỉ cung cấp cho riêng Việt Nam. Cuộc chơi này dành cho những người giỏi về công nghệ.

Tiếp đến là khó khăn về vốn. Thương mại điện tử bây giờ đã qua thời website hoặc hoặc một app (ứng dụng) trên di động. “Còn rất nhiều yếu tố khác. Trong con mắt của chúng tôi, những đơn vị dám đầu tư vào du lịch trực tuyến Việt Nam vô cùng dũng cảm. Công nghệ yếu, vốn ít, chúng ta nghe vài trăm tỷ đồng là khủng khiếp nhưng làm du lịch trực tuyến thì có lẽ vài trăm tỷ đồng cũng chưa là gì”, ông Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.

Bên cạnh đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của Việt Nam trên “sân chơi” trực tuyến. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể cùng với các đơn vị làm dịch vụ, các khách sạn liên kết với nhau. Thế nhưng đến giờ, sự liên kết đó vẫn chưa chặt chẽ”, ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định.

Bài cuối: Giải pháp để mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin du lịch

XC/Báo Tin tức
Các điểm du lịch bội thu dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Các điểm du lịch bội thu dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5, nhiều khu du lịch đón lượng khách tăng cao, nhất là các diểm du lịch biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN