Phát triển Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương

Tỉnh Bình Thuận đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch ven biển. Nhờ đó, Bình Thuận trở thành điểm sáng không những trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn trở thành điểm đến nghỉ dưỡng biển nổi tiếng thế giới.

Chú thích ảnh
Phong cảnh bờ biển Mũi Né, Phan Thiết. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là động lực giúp du lịch Bình Thuận phát triển lên một tầm cao mới và Mũi Né sẽ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Khu Du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha.

Mục tiêu quy hoạch là tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch quốc gia; thu hút nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu Du lịch Mũi Né trở thành điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, để xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Né, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch hiện nay là phát triển nhiều loại hình du lịch biển đặc thù mới lạ tại địa phương để thu hút du khách. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên ven biển, Bình Thuận đang phát triển đa dạng các loại hình chuyên biệt như: Du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao... Đây là nét khác biệt để du khách đến Bình Thuận vẫn tăng trong khi nhiều điểm du lịch khác khá "ế ẩm".

Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, ngành Du lịch địa phương đang phát triển thêm nhiều loại hình du lịch mới, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bình Thuận đang áp dụng chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các dự án hình thành tổ hợp du lịch - thể thao quốc tế hoặc gắn liền với dịch vụ thể thao trên biển tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình...

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Tỉnh Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp ven biển phù hợp phát triển du lịch. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận luôn xác định du lịch là một trong những lợi thế và là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khu vực bãi biển Mũi Né - Bình Thuận có khí hậu ấm áp, nhiều gió. Mũi Né cũng trở thành nơi hội tụ của các tay đua lướt ván buồm, ván diều nổi tiếng thế giới đến từ Anh, Pháp, Nga, Đức… Mũi Né cũng là nơi được chọn để tổ chức môn thể thao lướt ván buồm quốc tế hàng năm. Theo đánh giá, Mũi Né là một trong 50 bãi biển tốt nhất thế giới cho môn thể thao lướt ván buồm và là một trong những bãi biển hàng đầu châu Á cho môn thể thao này.

Nhờ đổi mới trong công tác quản lý, đa dạng sản phẩm du lịch biển phục vụ du khách, hằng năm, lượt du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đều tăng cao. Đặc biệt, các dịch vụ thể thao giải trí trên biển đã tạo sức hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Năm 2018, Bình Thuận đón trên 5,7 triệu lượt du khách (tăng 12,8% so với năm 2017), doanh thu du lịch đạt 12.800 tỷ đồng (tăng 18,98% so với năm 2017); trong đó khách quốc tế đạt khoảng 675 ngàn lượt, tăng 14,3% so với năm trước, chiếm tỷ trọng cao là du khách đến từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Với những bước tiến dài và bền vững, du lịch Bình Thuận không chỉ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Cùng với thương hiệu du lịch biển được khẳng định sau những năm phát triển và hội nhập, du lịch Bình Thuận đang hướng tới tương lai bằng sự tự tin của một điểm đến mang tầm khu vực và theo yêu cầu của Thủ tướng, đến năm 2030, Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Lần đầu tiên đón du khách tới Mũi Né bằng thủy phi cơ
Lần đầu tiên đón du khách tới Mũi Né bằng thủy phi cơ

Trưa 3/1, hai chuyến bay đầu tiên chặng Thành phố Hồ Chí Minh – Mũi Né (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) bằng thủy phi cơ khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đã đáp xuống hồ Bàu Trắng (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) chở theo 14 du khách Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN