Tiết lộ bí mật về bác sĩ quái vật thời Đức quốc xã

Đến bây giờ người ta mới biết bản chất thực sự của Hans Asperger, bác sĩ người Áo nổi tiếng được lấy tên đặt cho một dạng rối loạn phổ tự kỷ.

Bí mật bị phơi bày

Bé Herta Schreiber đã bị đưa tới phòng khám khi tại Bệnh viện Đại học Vienna hồi tháng 6/1941, hai tháng trước sinh nhật ba tuổi của bé. Là người nhỏ tuổi nhất trong số 9 trẻ em ở đây, bé Herta bị ốm nhiều tháng trời sau khi nhiễm bệnh viêm não đầu năm 1941. Mẹ bé không có tiền chữa trị, còn bố làm lính chiến đấu xa nhà.

Bác sĩ Hans Asperger đã kiểm tra bé Herta và chẩn đoán bé bị rối loạn tính cách nghiêm trọng, thiếu máu trầm trọng, phấn khích bất thường và bị co giật thường xuyên. Bác sĩ kết luận: “Đứa trẻ hẳn là một gánh nặng không thể chịu đựng với bà mẹ. Rất cần thiết phải cho bé ở vĩnh viễn trong Spiegelgrund”.

Bác sĩ Hans Asperger.

Nói cách khác, đó là án tử hình dành cho bé Herta. Cả bác sĩ và mẹ Herta đều biết điều đó. Spiegelgrund là tên một “bệnh viện” ở Vienna thuộc chương trình chết không đau đớn. Đây là nơi mà trẻ khuyết tật, hay nói đúng hơn là những trẻ không đáp ứng tiêu chuẩn “đáng được sống” của Đức quốc xã, bị đưa đến để giết hại.

Ngày 1/7, Herta tới Spiegelgrund và được một người đàn ông tên là Erwin Jekelius kiểm tra. Năm tuần sau, Jekelius báo cáo cấp trên ở Berlin thuộc Ủy ban khoa học bí mật về Đăng ký bệnh bẩm sinh và di truyền nghiêm trọng của Đức quốc xã. Báo cáo nói rằng Herta sẽ không hồi phục nhưng tuổi thọ tự nhiên sẽ không vì thế mà giảm.

Thế nhưng, ngày 2/9, chỉ sau khi bé Herta vừa tròn 3 tuổi, bé đã chết và nguyên nhân được cho là do viêm phổi. Trong thực tế, có thể bé đã bị cho ăn thức ăn có thuốc an thần trong nhiều tuần. Điều đó đã khiến phổi bé ngừng hoạt động bình thường và gây ra viêm phổi.

Herta đã bị giết hại và người chịu trách nhiệm cho cái chết này chính là vị bác sĩ đã chẩn đoán cho bé. Tên của bác sĩ ngày nay đã được hàng triệu người biết tới. Ông này được tán dương vì công trình tiên phong về tâm thần học trẻ em, đặc biệt là đã đóng góp nhiều kiến thức về chứng rối loạn phổ tự kỷ. Hội chứng Asperger, một dạng rối loạn phổ tự kỷ, được đặt theo tên bác sĩ Asperger sau khi ông này chết năm 1980.

Tuy nhiên, mới xuất hiện thông tin rằng di sản của bác sĩ Asperger bị nhuốm màu đen khi ông đồng lõa tham gia chương trình Aktion T4 của Đức quốc xã, trong đó ước tính 200.000 người Đức và Áo đã bị giết ở những nơi như Spiegelgrund.

Trong bài viết trên tạp chí Molecular Autism, tiến sĩ Herwig Czech thuộc Đại học Vienna đã tiết lộ sự thật về bác sĩ Asperger, người đã hỗ trợ giết chết hàng chục trẻ em. Tiết lộ trên dựa trên công trình nghiên cứu 8 năm trong các kho lưu trữ quốc gia của Áo.

Công trình của tiến sĩ Czech có cùng kết luận với cuốn sách sắp ra mắt của giáo sư Edith Sheffer thuộc Đại học Standford ở Mỹ, trong đó bà cho rằng bác sĩ Asperger không chỉ tham gia vào chính sách phân biệt chủng tộc của Đức quốc xã mà còn dính líu đến việc giết hại trẻ em. Từ năm 1940 đến 1945, gần 800 trẻ em đã chết ở Spiegelgrund.

Những tiết lộ này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao tiến sĩ Asperger tham gia chương trình cái chết không đau đớn? Làm sao ông ta có thể thoát công lý sau cuộc chiến? Tại sao đến bây giờ sự thật mới xuất hiện? Hội chứng Asperger có cần được đổi tên?

Tội ác của bác sĩ Asperger


Đó là vào tháng 5/1931, ngay sau khi hoàn thành bằng y khoa, Asperger khi đó 24 tuổi đã làm việc tại bệnh viện nhi thuộc Đại học Vienna. Trong vòng bốn năm, ông ta đã trở thành trưởng khoa trị liệu. Theo nghiên cứu của Herwig Czech, khoa này đã nổi tiếng thế giới dưới thời trưởng khoa trước đó nhờ chữa trị cho bệnh nhi bị mất cân bằng tâm thần và bị bệnh tâm thần.

Tên của bác sĩ Asperger được đặt cho một dạng hội chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Bác sĩ Asperger là bác sĩ tài năng, tham vọng, thăng tiến nhanh vì ông này có chung quan điểm với cấp trên về vấn đề dân tộc và bài Do Thái, trong đó nhiều người là thành viên của đảng Quốc xã ở Áo. Sự hòa hợp của Asperger với chủ nghĩa quốc xã được thể hiện rõ ràng hơn sau khi Áo bị sáp nhập vào Đức hồi tháng 3/138. Ông ta tham gia vô số tổ chức liên kết với Đức quốc xã nhưng chưa bao giờ trở thành thành viên của đảng này.

Năm 1944, Asperger công bố định nghĩa về tình trạng mà con người thể hiện sự thiếu cảm thông, không có khả năng kết bạn, nói chuyện một mình, chìm đắm vào một thú vui đặc biệt và có hành động vụng về. Asperger hoàn toàn đi theo tư tưởng của Đức quốc xã trong y học vốn thúc đẩy quan niệm rằng một dân tộc cần phải được điều trị như là một cơ thể người riêng biệt, trong đó loại bỏ những bộ phận bệnh tật và không hoàn hảo. Điều này có nghĩa là giết các cá nhân hoặc ít nhất là triệt sản họ để ngăn chặn bệnh di truyền.

Trong nghiên cứu, bác sĩ Herwig Czech đã tiết lộ một đánh giá chính trị của Asperger cuối năm 1940, rằng ông ta đi theo ý tưởng của đảng Quốc xã trong vấn đề luật triệt sản và chủng tộc. Asperger cũng không ngại chia sẻ quan điểm rằng: Giống như việc bác sĩ phải thực hiện mổ xẻ đau đớn cho bệnh nhân khi trị bệnh, chúng ta cũng phải thực hiện những nhát cắt trên “cơ thể quốc dân”. Theo đánh giá của bác sĩ Czech trên tờ Dailymail, chỉ riêng những phát hiện này thôi đã đủ để thế giới phải đánh giá lại di sản của Asperger.

Điều kinh khủng hơn là Asperger đã biến những ý tưởng trên thành hiện thực. Ông ta bị cho là có liên quan tới cái chết của nhiều trẻ em chứ không chỉ bé Herta. Đa số các em đều bị đưa vào Spiegelgrund và bị chết vì viêm phổi.

Điều khiến người ta lạnh sống lưng là Asperger không có nhiệm vụ phải đưa trẻ em trực tiếp tới cơ sở giết chóc Spiegelgrund. Theo tiến sĩ Herwig Czech, tháng 5/1942, Asperger được chỉ định vào một ủy ban đánh giá trẻ em tại bệnh viện tâm thần Gugging ở Vienna. Trong vòng 20 tháng sau, ủy ban này đã đưa 41 trẻ em tới Spiegelgrund và tất cả đều chết.

Tiến sĩ Herwig cho rằng Asperger là một người bình thường trong một cỗ máy chết chóc nhưng lại được tin tưởng giao nhiệm vụ lựa chọn trẻ em để loại bỏ khỏi xã hội. Sau chiến tranh, đáng lẽ bất kỳ tòa án nào cũng phải khép Hans Asperger vào tội giết người, hay ít nhất là đồng lõa giết người, nhưng hắn ta lại thoát.

Sau khi Đức quốc xã sụp đổ, không ai thắc mắc về việc Asperger dính líu tới Spiegelgrund và không có bằng chứng nào về mối liên hệ chính thức của ông ta với đảng Đức quốc xã.

Sau chiến tranh, Asperger làm lãnh đạo khoa khi tại Đại học Vienna và thậm chí còn là người đứng đầu Làng Trẻ em SOS ở Áo chuyên cưu mang trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, nghèo khó. Ông ta còn được một số nhà sử học tuyên bố là chống Đức quốc xã và làm việc để cứu trẻ em.

Tiến sĩ Czech kết luận rằng khi bí mật ác độc của Asperger bị phơi bày, hội chứng Asperger có lẽ cần đổi tên.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần hai: Cuộc gặp thứ hai sau 7 năm
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần hai: Cuộc gặp thứ hai sau 7 năm

Bảy năm sau, Triều Tiên và Hàn Quốc lại tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần nữa, mang theo rất nhiều hy vọng. Lãnh đạo Triều Tiên vẫn là ông Kim Jong-il, người tham gia hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Còn phía Hàn Quốc, tổng thống lúc này là ông Roh Moo-huyn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN