11:17 08/11/2018

Giáo dục Nhật Bản - Bài 2: Đề cao đạo đức, lòng yêu nước và sự bình đẳng

Nhật Bản được biết đến không chỉ là một nền kinh tế lớn thứ ba thế giới mà còn là một đất nước có nền giáo dục hàng đầu châu Á. Nhật Bản từ lâu đã chú trọng yếu tố “con người” và giáo dục con người được xem như là đòn bẩy thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa, phát triển kinh tế tại đất nước Mặt trời mọc này.

Coi trọng giáo dục vì đây chính là nguồn gốc sức mạnh nội tại của dân tộc, Nhật Bản hướng đến đảm bảo sự phát triển của trẻ em về mọi mặt, từ trí tuệ, tâm hồn, tinh thần, thái độ đến hệ thống những giá trị nhân văn. Trong đó, tinh thần làm việc tập thể, những bài học đạo đức kèm theo những hành động, tính tự giác tự lập, sự bình đẳng và công bằng là những giá trị tối cơ bản của nền giáo dục Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Giáo dục Nhật Bản đề cao đạo đức, lòng yêu nước và sự bình đẳng. Ảnh: en.newsner.com

Đạo đức xã hội và lòng yêu nước

Hai yếu tố được đề cao trong giáo dục tại Nhật Bản, xuyên suốt từ mẫu giáo cho tới trung học phổ thông là đạo đức xã hội và lòng yêu nước.

Đạo đức là môn học bắt buộc đối với học sinh các cấp học, từ lớp 1 đến lớp 9. Với các trường cấp I, hàng tuần, thời lượng dành cho bộ môn này là một tiết học 45 phút, còn với các học sinh bậc cao hơn là 50 phút. Ngoài ra, các nội dung liên quan đến giáo dục các giá trị truyền thống, nhân cách hay quy tắc ứng xử đều được lồng ghép vào hoạt động hàng ngày hoặc chương trình ngoại khoá.

Người Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với tinh thần Samurai gồm các đức tính trung thành, đoàn kết, hy sinh vì người khác, cống hiến hết mình và coi nhẹ cái chết. Đây chính là lòng yêu nước, đạo đức xã hội được thẩm thấu, phổ biến trong hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2007, nội dung, tinh thần trên mới được chính thức đưa vào trong luật.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) xác định chương trình đạo đức tại các trường tiểu học bao gồm giảng dạy về hành vi trong đời sống, phát triển nhân cách, thái độ, quy tắc ứng xử văn minh và tinh thần tự lập không làm phiền người khác.

Không chỉ rèn luyện từ cấp tiểu học, bắt đầu từ mẫu giáo, trẻ em ở Nhật Bản đã được làm quen tính tự lập và những quy tắc giao tiếp xã hội. Tại trường mẫu giáo Manabi no Mori thuộc quận Shibuya, Tokyo, trẻ em các lớp từ 3 tuổi trở lên đã được huấn luyện kỹ càng các quy tắc khi đến trường học như tự cầm cặp vào lớp, để giày, dép, quần áo vào nơi quy định, sắp xếp, dọn dẹp lớp học trước khi ra về…

Ngoài ra, những quy tắc khác trong giao tiếp xã hội cũng được đặc biệt chú trọng như cách chào hỏi khi tới lớp, khi ra về, khi gặp người quen… Bên cạnh đó, trẻ em thường xuyên được tham gia, trải nghiệm các lễ hội truyền thống do nhà trường tổ chức, nhằm giáo dục văn hóa và lòng yêu nước. Nội dung học tập trên được phổ biến ở tất cả các trường mẫu giáo của Nhật Bản và trở thành quy định chung.

Bình đẳng và công bằng

Hình ảnh những học sinh Nhật Bản trong những bộ đồng phục giống nhau từ giày, tất, quần, áo cho tới túi xách đã trở nên rất quen thuộc tại đất nước này. Bên cạnh tính kỷ luật, đồng nhất, biểu tượng đồng phục của học sinh Nhật Bản còn là tượng trưng cho sự bình đẳng trong xã hội, khi mọi người đều giống nhau không phân biệt giàu, nghèo.

Đồng phục của học sinh Nhật Bản đã xuất hiện cách đây khoảng 150 năm, vào thời Minh Trị. Vì vậy, bộ đồng phục học sinh ở quốc gia này không đơn thuần là một bộ quần áo, mà trở thành nét đẹp văn hóa, tượng trưng cho tuổi thơ, tuổi trẻ của mỗi người.

Ngoài ra, một chính sách độc đáo được nhiều thành phố, quận, huyện áp dụng tại các trường phổ thông là chính sách luân chuyển giáo viên. Những giáo viên phổ thông tại Nhật Bản từ cấp 1 tới cấp 3 sẽ không làm việc cố định tại một trường, mà sẽ thường xuyên được luân chuyển giữa các trường trong cùng một khu vực định kỳ 2, 3 hoặc 4 năm.

Việc luân chuyển này nhằm đảm bảo sự đồng đều về trình độ giáo viên tại mỗi trường. Tránh xảy ra các trường hợp như: có trường tập trung nhiều giáo viên giỏi, có trường lại quá nhiều giáo viên trình độ hạn chế. Bên cạnh đó, việc chính sách luân chuyển này cũng có thể hạn chế những tiêu cực xảy ra. Đây là một trong những chính sách đảm bảo cho học sinh được hưởng một sự giáo dục bình đẳng.

Sự công bằng và bình đẳng trong giáo dục Nhật Bản, không chỉ thể hiện trong giáo dục phổ thông, ngay từ cấp mẫu giáo những chính sách công bằng và bình đẳng cũng được nghiên cứu áp dụng. Trẻ em khi vào mẫu giáo, bố mẹ sẽ không trực tiếp đăng ký với trường, mà phải thông qua ủy ban hành chính cấp quận, huyện để xét duyệt, tính điểm ưu tiên một cách công khai.

Ngoài ra, học phí tại mẫu giáo được đóng căn cứ vào thu nhập của bố, mẹ. Người có thu nhập cao sẽ đóng nhiều hơn người có thu nhập thấp. Những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đều được miễn giảm. Tuy nhiên, Nhật Bản đang tiến tới miễn hoàn toàn học phí tại các trường mẫu giáo của nước này. Nguồn chi phí tại các trường mẫu giáo sẽ được trích từ nguồn thu của chính phủ sau khi tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 10/2019.

Thành Hữu (Pv TTXVN tại Nhật Bản)