Bạo lực học đường gia tăng từ sự thờ ơ, sợ trách nhiệm

Nhiều vụ bạo lực học đường không được đưa ra ánh sáng có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng; có thể do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm và cũng có thể do nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu…

Bạo lực ngày càng thô bạo, nhẫn tâm

Dù các cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp nhưng các vụ bạo lực học đường với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng vẫn diễn ra. Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, bạo lực học đường trước đây chỉ dừng lại ở việc bắt nạt nhau, nhưng nay còn lột đồ, quay clip và không có người can ngăn... cho thấy tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, ngày càng xuất hiện thêm nhiều vụ việc phức tạp với mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng hơn.

Chú thích ảnh
Hành vi bạo lực học đường diễn ra ngày càng thô bạo. Ảnh chụp từ clip: Đinh Tuấn/TTXVN

Theo các chuyên gia, bạo lực học đường thường xảy ra nhiều nhất ở đối tượng học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển từ thiếu niên sang tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành. Ở giai đoạn này, những yếu tố tâm lý, sinh lý của các em có sự vận động bên trong và chịu sự chi phối từ bên ngoài rất lớn.

Đề cập về vấn đề này, thầy Vũ Đình Bảy, khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh đánh giá, hành động bạo lực ngày càng có chiều hướng thô bạo, nhẫn tâm, vô văn hóa. Trước đây, các vụ bạo lực học đường mang tính chất đơn lẻ, tuy nhiên gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ đánh “hội đồng” với sự tham gia của tập thể, nhóm, có tổ chức và thậm chí có chuẩn bị trước. Nhiều vụ bạo lực được quay clip rồi tung lên mạng gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và nhà trường, gây xôn xao và bất bình trong dư luận. Thành phần gây ra bạo lực học đường cũng ngày càng đa dạng, không khu biệt ở học sinh cá biệt mà còn học sinh có học lực khá giỏi, học sinh lưu ban, thanh thiếu niên không đi học, cán bộ lớp… Địa điểm gây ra bạo lực học đường cũng mở rộng hơn.

Phân tích những lí do của bạo lực học đường, thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên ĐH An ninh nhân dân cho rằng, thời gian gần đây, những hành vi bạo lực học đường diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man...; việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, trong khi một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý lại gây ra một “phản ứng ngược” từ cộng đồng.

Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm cũng cho rằng, sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa nhà trường - gia đình - lực lượng bảo vệ pháp luật… còn yếu. Nhiều vụ việc diễn ra cho thấy, có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng; có thể do cơ quan chức năng thờ ơ, vô trách nhiệm và cũng có thể do nhà trường sợ bị ảnh hưởng đến thi đua, thương hiệu… nên nhiều vụ việc đã không được đưa ra ánh sáng. Học sinh thiếu trang bị những kiến thức, bài học đạo đức, nhân cách; sự tác động của phim ảnh, game hay các chương trình giải trí lệch chuẩn; độ tuổi học trò đang trong giai đoạn dậy thì, thích thể hiện, thích bộc lộ cái “tôi”... là nguyên nhân chính gây ra những hành vi bạo lực học đường.

“Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc bạo lực học đường diễn ra rất lâu mới bị phát hiện mà nguyên nhân là do sự che giấu của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm vì sợ bị liên lụy, bị tác động bởi "bệnh" thi đua, thành tích; áp lực của xã hội, nhiều phụ huynh có cách bảo vệ con phản giáo dục”, ông Lâm nhận xét.

Cần có giải pháp tổng thể

Nhìn nhận về vấn nạn bạo lực học đường, thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm cho rằng, không thể loại bỏ được thực trạng trên ra khỏi đời sống xã hội, bởi nó là một phần của xã hội. Vấn đề mấu chốt là phải tìm cách phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế nó ở mức tốt nhất.

Chú thích ảnh
Cần tạo ra sân chơi, hoạt động lành mạnh trong môi trường giáo dục. Ảnh: Đan Phương

“Để giải quyết vấn đề này chắc chắn không thể ngày một ngày hai, cũng không thể chỉ có vài giải pháp, cũng chẳng thể nào do một vài cơ quan chức năng thực hiện… cần phải có những giải pháp tổng thể, giải quyết căn cơ từ gốc. Ở đó có sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội, của truyền thông hay của chính bản thân những người có khả năng bị xâm hại, bị bạo lực”, thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm nói.

Cần xây dựng cơ chế và thực thi hiệu quả để người nắm bắt thông tin có thể an tâm, mạnh dạn công khai thông tin; hoặc giúp họ định vị lại trách nhiệm của mình hoặc nhận rõ hệ quả của việc che giấu thông tin đó. "Thế giới này trở nên tồi tệ hơn không phải vì việc làm của những kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt và điều đó thực sự nguy hiểm”, thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ.

Nhìn nhận về vai trò trách nhiệm của nhà trường trong việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng Đoàn thanh niên giữ vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế, phòng ngừa những hành vi tương tự. Các tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh việc tạo lập những sân chơi, hoạt động lành mạnh, trí tuệ, giáo dục cho các em sự yêu thương, đoàn kết với bạn bè, hình thành các kỹ năng cần thiết, làm sao cho mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui.

Chia sẻ về những hoạt động tại trường THPT Nguyễn Du, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết trường luôn ưu tiên tạo ra những sân chơi về kiến thức cũng như thể dục thể thao, những hoạt động võ thuật, đá bóng; thành lập những câu lạc bộ âm nhạc, truyền thông… để nuôi dưỡng tâm hồn cho các em, khiến các em thêm tự hào về ngôi trường mình đang học, về bạn bè, thầy cô. “Hơn 3 năm qua, tại trường THPT Nguyễn Du không hề xảy ra bất kì vụ bạo lực học đường nào. Đó là nỗ lực không chỉ của ban lãnh đạo, các thầy cô mà còn là của các em học sinh”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Trong khi đó, ông Phạm Anh Thắng cho rằng, chống bạo lực học đường bằng cách đẩy mạnh các phong trào người tốt việc tốt, các phong trào hoạt động tốt đẹp của giới trẻ... Muốn vậy, nhà trường, học sinh cần tăng cường gần gũi, chia sẻ, không có thù hằn lẫn nhau thì sẽ không có bạo lực.

Đan Phương/Báo Tin tức
Ngành giáo dục Hưng Yên họp trực tuyến bàn cách phòng chống bạo lực học đường
Ngành giáo dục Hưng Yên họp trực tuyến bàn cách phòng chống bạo lực học đường

Chiều ngày 6/4, tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bạo lực học đường trong toàn ngành giáo dục của tỉnh Hưng Yên, vấn đề trọng tâm được đưa ra là "nhân rộng mô hình trường học có môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện để phòng chống bạo lực học đường theo hướng hiệu quả thiết thực".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN