Bên lề Quốc hội: Đồng tình với những chính sách trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Ngày 15/11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu cho rằng những chính sách được đề xuất trong dự án Luật phù hợp với thực tiễn.

Nên bỏ quy định không thu học phí của sinh viên ngành Sư phạm

Đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) nhận định, những chính sách được đề xuất trong dự án Luật rất tốt, phù hợp với thực tiễn. Đại biểu ủng hộ hai chính sách mới đó là: Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.

Riêng đối với chính sách nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, đại biểu cho rằng, đề xuất này rất phù hợp vì giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Việc nâng chuẩn giáo viên đồng nghĩa với việc sẽ nâng cao về trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên ở cấp học này. Mặt khác, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với chính sách thứ hai, theo đại biểu, đây là chính sách có ý nghĩa nhân văn và thể hiện sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục - đào tạo trong đó có học sinh, đặc biệt là đối với học sinh công lập.

Đại biểu Chu Lê Chinh đánh giá, việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập là một trong những điểm mới tích cực của dự thảo Luật lần này. "Chúng ta nên ưu tiên trước cho học sinh vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, học sinh thuộc diện hộ nghèo…", đại biểu nêu ý kiến. 

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) thống nhất với chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non và tiểu học, tuy nhiên miễn học phí với học sinh trung học cơ sở công lập cần phải có lộ trình; cần giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách này cụ thể.

Ủng hộ việc bỏ quy định không thu học phí của sinh viên ngành Sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành mà thay bằng chính sách tín dụng, đại biểu Chu Lê Chinh cho rằng, quy định này không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi.

Theo đại biểu Chu Lê Chinh, thời gian qua, rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường nhưng không công tác trong ngành Giáo dục mà làm trái nghề, dẫn đến việc miễn học phí này không trực tiếp phục vụ cho mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên, gây lãng phí nguồn nhân lực và ngân sách của Nhà nước. Đại biểu tỉnh Lai Châu cho rằng, dự thảo Luật đề xuất theo hướng cho vay tín dụng đối với sinh viên vào học ngành Sư phạm là một trong những giải pháp nhằm thu hút học sinh phổ thông giỏi vào ngành Sư phạm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, giải pháp quan trọng nhất để thu hút học sinh giỏi vào học ngành Sư phạm đó là cơ chế chính sách việc làm, tức là ra trường sinh viên cần được bố trí việc làm phù hợp. "Nếu kết hợp được chính sách này với chính sách tín dụng thì tôi tin rằng, ngành Sư phạm sẽ thu hút được nhân tài", đại biểu Chu Lê Chinh khẳng định. 

Công bố công khai kết quả giáo dục

Các đại biểu đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, ngành Giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là trong quản lý giáo dục các cấp. Cũng từ Nghị quyết 29-NQ/TW, các địa phương đã ban hành nhiều chương trình hành động và chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường. 

Theo đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc), về cơ bản, dự thảo Luật đã quy định khá toàn diện và sửa đổi bổ sung nhiều quy định về nhà trường, nhà giáo và người học, nhất là quy định phát triển toàn diện các hệ thống trường công lập, dân lập, tư thục; quy định phát huy dân chủ và tự chủ của các trường học; về Hội đồng trường và Hội đồng quản trị của nhà trường; về nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng và chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; về chính sách đối với nhà giáo, học sinh và sinh viên…

Phân tích về quyền hạn và nghĩa vụ của nhà trường, đại biểu Phùng Thị Thường cho rằng, việc công bố công khai mục tiêu chương trình giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng chứng chỉ của nhà trường là quan trọng để tạo sự minh bạch, nhất quán và cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình cơ sở giáo dục, giảm thiểu nạn bằng giả. 

“Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc công bố công khai thông tin có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt trên cổng thông tin điện tử hay website để người học, phụ huynh, giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về giáo dục. Do đó, tôi đề nghị cần xây dựng cổng thông tin dữ liệu quốc gia về giáo dục”, đại biểu Phùng Thị Thường nêu ý kiến. 

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) thống nhất với những nội dung về mục tiêu giáo dục trong dự thảo Luật nhưng đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến phát triển tư duy độc lập cho người học; quan tâm đến ý thức cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường, ý thức thế giới cho học sinh. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung về thư viện trong trường phổ thông; bổ sung quy định người học trong đánh giá các hoạt động giáo dục và đánh giá người dạy.

Đỗ Bình (TTXVN)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Đề xuất tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Đề xuất tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao năm 2018 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các báo cáo nói trên. Tại phiên thảo luận, công tác phòng, chống tham nhũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN