Luật Giáo dục Đại học sửa đổi: Mở rộng và đẩy nhanh tự chủ đại học cho toàn hệ thống

Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Nhân dịp này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng đã trao đổi với báo chí về một số nội dung đáng chú ý của Luật.

Chú thích ảnh
Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: TTXVN

Bà có thế chia sẻ về những thay đổi của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học vừa được Quốc hội thông qua so với Luật Giáo dục Đại học hiện hành?

Luật Giáo dục Đại học vừa được Quốc hội thông qua có 4 nhóm chính sách mới. Chính sách lớn nhất, bao trùm lên toàn bộ các vấn đề được sửa đổi bổ sung là mở rộng tự chủ và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cùng với nâng cao tự chủ là những chính sách đi kèm như đổi mới quản trị đại học, kiện toàn hội đồng trường.

Trong đó, hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (Hiệu trưởng), chiến lược phát triển của nhà trường cũng như các chủ trương đầu tư lớn. Hội đồng trường là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu (các đại học công lập), tiếp nhận quyền tự chủ từ nhà nước để triển khai tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, trên cơ sở đó, các trường cũng phải ban hành các quy định, quy chế nội bộ của mình để thực hiện công khai, minh bạch trong toàn trường cũng như để xã hội giám sát.

Luật lần này cũng chú trọng phát triển hệ thống, đặc biệt là khuyến khích các trường lớn có tiềm lực sáp nhập thành những đại học lớn, hoặc một số trường  trong cùng một nhóm ngành, địa phương kết hợp với nhau thành những đại học lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Với cơ chế đó, các trường có thể hỗ trợ, cộng lực nhau trong phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của đại học Việt Nam với thế giới.

Luật cũng chú trọng phát triển hệ thống đại học tư thục và các đại học tư thục được phát triển bình đẳng gần như toàn bộ với các trường công lập; đặc biệt trong các hoạt động về chuyên môn.

Hiện nay, lộ trình tự chủ được đánh giá vẫn chậm so với kỳ vọng, vậy khi Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019, lộ trình này sẽ mở rộng và được đẩy nhanh ra sao, thưa bà?

Với chính sách bao trùm là tự chủ thì sắp tới, cơ chế tự chủ cao sẽ được mở rộng cho toàn hệ thống, không chỉ gói gọn trong 5 đại học và 23 trường thí điểm như hiện nay. Nhìn chung, các trường rất trông đợi Luật được thông qua. Khi Luật chính thức có hiệu lực, các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động: học thuật, tài chính, nhân sự để phục vụ cho chính sách phát triển của nhà trường, đủ sức cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.

Với các điều khoản mới trong Luật Giáo dục Đại học lần này, thời gian và thủ tục hành chính sẽ giảm đáng kể. Ví dụ, trước đây, để mở ngành đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự cấp cao, các trường phải báo cáo, đăng ký, đợi sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nay trường sẽ được quyết định ngay khi có đủ điều kiện. Đó là những cơ chế thúc đẩy cho hệ thống phát triển.

Luật Giáo dục Đại học mới sẽ cho phép các trường đại học được mở ngành ở tất cả các trình độ trên cơ sở các điều kiện. Vậy, chúng ta sẽ kiểm soát việc này như thế nào, thưa bà?

Nói là các trường được tự chủ mở ngành, có nghĩa là các trường được tự quyết định việc mở ngành mà không phải xin phép hay đăng ký cơ quan quản lý về chuyên môn như trước đây. Còn các điều kiện mở ngành, tiêu chuẩn chất lượng để mở ngành thì Luật vẫn phải giữ. Thậm chí còn phải quy định chặt chẽ hơn. Những tiêu chuẩn mở ngành như căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường, nội lực của nhà trường (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo) cho ngành đó như thế nào. Rồi căn cứ vào sự chấp nhận của xã hội cho ngành đó đối với sản phẩm của nhà trường. Tức là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường đó trong những năm trước ra sao thì mới có thể được mở ngành mới…

Như vậy, tiêu chuẩn chất lượng vẫn giữ nguyên. Nếu trường đủ điều kiện mở ngành về chương trình, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì sẽ được mở ngành. Nhưng điều kiện để trường tự quyết định cũng được nâng cao hơn. Trước đây,  cũng cơ quan thẩm quyền kiểm duyệt, nay cơ quan thẩm quyền không cấp phép nữa, nhưng các trường phải chứng minh nội lực của mình. Ví dụ, trường phải được kiểm định rồi, thì mới được mở các ngành của trình độ đại học. Ngành đào tạo của trình độ đại học phải được kiểm định rồi mới được mở các ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng. Ngành đào tạo thạc sĩ được kiểm định rồi mới được mở ngành tiến sĩ phù hợp. Đó là những cơ chế để kiểm định chất lượng.

Ngoài ra, việc mở ngành còn phải do hội đồng trường quyết định. Mà hội đồng trường theo quy định mới, không chỉ những người trong trường mà còn cả những người ngoài trường với tỷ tệ tối thiểu 30% là các nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, các cơ quan của tổ chức khác. Những người này sẽ xem xét việc xã hội có cần ngành học đó hay không, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường có đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành học đó hay không. Điều đó có nghĩa rằng, nhà trường phải cân nhắc tới năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu đào tạo đó không.

Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị những gì cho việc triển khai các nội dung của Luật khi Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực?

Thực tế ngay khi dự thảo sửa Luật, chúng tôi đã chuẩn bị danh mục các văn bản hướng dẫn Luật. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng hai Nghị định hướng dẫn trực tiếp, đó là Nghị định hướng dẫn chung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ đại học. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rà soát lại tất cả các quy chế đào tạo như đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, trình độ thạc sĩ, văn bằng 2... Tất cả những quy chế đào tạo đều phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với những quy định mới nhất của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học với tinh thần trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Trong quá trình làm Luật, hầu hết các trường đại học đều đã đồng hành với Ban soạn thảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung lấy ý kiến đóng góp. Ban soạn thảo đã tổ chức 5 Hội thảo lớn tại 5 vùng với thành phần tham gia là các trường đại học trên cả nước, ngoài ra còn có các hội thảo chuyên đề với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội, cán bộ quản lý giáo dục, Ban tuyên giáo Trung ương và đại diện các bộ, ban, ngành địa phương để tiếp thu được đầy đủ, toàn diện, sâu rộng các ý kiến góp ý sửa Luật. Do đó, các trường đại học đều đã nắm được nội dung, tinh thần của những điều chỉnh lần này.

Có thể nói, các trường đã sẵn sàng cho triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Tới khi Luật chính thức có hiệu lực vào 1/7/2019, các văn bản dưới Luật, các Điều lệ quy định của nhà trường cũng sẽ sẵn sàng để triển khai, áp dụng Luật chính thức.

 Trân trọng cảm ơn bà!

Việt Hà (TTXVN)
Sửa đổi Luật Giáo dục Đại học: 'Cởi trói' cho các trường thực hiện tự chủ
Sửa đổi Luật Giáo dục Đại học: 'Cởi trói' cho các trường thực hiện tự chủ

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, giáo dục và đào tạo của nước ta đã thực sự có nhiều chuyển biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN