Nhóm học sinh Huế chế tạo thiết bị thiên văn học

Nhóm 5 học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế và Nguyễn Huệ (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ 2017 ở Nhật Bản với đề tài "Thiết bị định vị bầu trời và tích hợp tri thức phục vụ giáo dục và nghiên cứu thiên văn học".

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng quà cho các học sinh đạt giải tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ.

Nhóm tác giả gồm Đặng Hoàng San, Huỳnh Tăng Tuấn, Nguyễn Hoàng Minh (cựu học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc học Huế niên khóa 2014 - 2017) và Hoàng Tiến Hải Đăng, Nguyễn Minh Luân (cựu học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ niên khóa 2014 - 2017).

Thiết bị được tích hợp nhiều công cụ: Định vị bầu trời, giáo dục và nghiên cứu thiên văn học. Đây là hệ thống tạo nên bởi cơ khí, điện, điện tử và các phần mềm tin học nhằm phổ cập các tri thức thiên văn học có hệ thống, nhanh, trực quan và thú vị hơn.

Thiết bị gồm 4 phần: Cánh tay robot hoạt động dựa trên nguyên lý hệ tọa độ xích đạo thiên cầu, điều khiển thông qua mạch điện tử, kết nối một giả lập bầu trời khác có hỗ trợ Ascom (mô hình đối tượng phổ biến thiên văn học); máy laser được tích hợp cánh tay robot, có công suất tốt, màu sắc nổi bật giúp định vị các vật thể, bảo đảm độ tán xạ khi tạo thành cột sáng trong màn đêm; các phần mềm điều khiển kính độc lập và giúp cánh tay robot hướng tia laser; bách khoa toàn thư được tích hợp trong thiết bị nhằm hệ thống thông tin, kiến thức về lịch sử thiên văn học.

Cách vận hành và sử dụng thiết bị được đánh giá dễ dàng và phù hợp cho cả những đối tượng nhỏ tuổi. Bởi sau khi cài đặt phần mềm Picgoto trên máy tính và thiết bị, người sử dụng có thể điều khiển thiết bị bằng bất cứ một phần mềm giả lập nào có hỗ trợ Ascom. Khi tìm hiểu một thiên thể bất kỳ, người sử dụng chỉ cần hướng cánh tay robot để đầu tia laser hướng đến thiên thể đó, chương trình giả lập bầu trời sẽ đồng bộ hóa và hiển thị các thông tin về thiên thể trên màn hình vi tính. Thiết bị có thể tối ưu hóa hơn như tích hợp được toàn bộ ứng dụng trên một thiết bị thông minh; thu nhỏ cánh tay laser bằng kích thước bỏ túi…

Em Đặng Hoàng San, Chủ nhiệm đề tài và  là người sáng lập Câu lạc bộ Thiên văn học Huế chia sẻ: Ở Việt Nam, thiên văn học không được coi là một môn học trong chương trình giáo dục, chi phí cho một thiết bị thiên văn lại lớn vì vậy để mọi người tiếp cận môn khoa học này rất khó. Việc cho ra đời thiết bị định vị bầu trời và tích hợp kể trên phục vụ cho việc học tập.

Thiết bị được đánh giá cao bởi cấu tạo nhỏ gọn; dễ chế tạo, sử dụng; sai số cực thấp; không phụ thuộc địa hình, tọa độ trên trái đất; điều khiển được nhiều kính thiên văn tự động từ một hệ phần mềm cùng một lúc. Ngoài ra, đây còn là thiết bị sử dụng laser đầu tiên hướng dẫn quan sát trực quan bầu trời. Nhờ chế tạo từ những nguyên liệu sẵn có, chi phí hoàn thiện thiết bị chỉ khoảng 1 triệu đồng, bằng 1/4 giá thành một chiếc kính thiên văn bình thường.

Cũng trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ 2017, Đặng Hoàng San, Huỳnh Tăng Tuấn và các bạn học sinh khác Trường Phổ thông Trung học Chuyên Quốc học Huế còn giành Huy chương Đồng với đề tài "Chế tạo hệ thống nhật động pin năng lượng mặt trời theo hệ tọa độ xích thiên cầu".

Tuyên dương thành tích của các em, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung nêu rõ, các em là những tài năng đại diện cho hơn 254 ngàn học sinh toàn tỉnh và mong muốn các em sẽ phấn đấu mang kiến thức phục vụ sự phát triển của tỉnh.

Tin, ảnh: Mai Trang (TTXVN)
Tạo điều kiện cho ngành sáng tạo phần mềm phát triển
Tạo điều kiện cho ngành sáng tạo phần mềm phát triển

Hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ thông tin; trong đó, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo phần mềm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN