Phạt học sinh vi phạm kỷ luật: Người học được tham gia xây dựng các quy định học đường

“Dự kiến, tháng 10/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó, học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường là những người trực tiếp tham gia xây dựng quy định này tại mỗi cơ sở giáo dục”, PGS. TS Nguyễn Hồng Thuận, Phụ trách Trung tâm nghiên cứu tâm lý học và giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ với PV Báo Tin Tức.

Chú thích ảnh
PGS. TS Nguyễn Hồng Thuận. Ảnh: Lê Vân

Thưa PGS. TS Nguyễn Hồng Thuận, là một nhà giáo đồng thời là chuyên gia tâm lý- giáo dục và là thành viên nhóm soạn thảo thông tư mới về kỷ luật học đường,  đánh giá ra sao về thực trạng kỷ luật học sinh hiện nay?

Kỷ luật học đường là hệ thống quy tắc hay là quy ước, chuẩn mực chung được đặt ra. Các thành viên trong nhà trường có trách nhiệm tuân thủ đạt để đạt được mục tiêu giáo dục: rèn luyện tinh thần, tính cách, tạo được sự tự chủ, giúp cho mỗi cá nhân thành công cuộc sống sau này. Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát ban đầu về thực trạng kỷ luật học đưởng tại trường tiểu học, THCS, THPT, nhóm nghiên cứu đã có một số nhận định như sau:

Đó là, nhận thức cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh chưa đầy đủ về kỷ luật học đường. Nhiều giáo viên viên chỉ dừng ở mức có các hình thức xử phạt học sinh vi phạm như thế nào và áp dụng nó một cách cứng nhắc. Giáo viên áp dụng như vậy cũng là do quy định còn khá chung chung, chưa cụ thể. Trong khi, với học sinh, cần quy định cụ thể, có tính trực quan và hạn chế sự áp đặt.

Hiện nay các quy định hầu hết do ban giám hiệu, hội đồng nhà trường đưa ra và buộc giáo viên, học sinh phải thực hiện mà chưa xem xét đến yếu tố tâm lý của mỗi học sinh khi vi phạm. Những nội quy, khẩu hiệu mới chỉ dừng ở mức tạo cảnh quan sư phạm nhà trường mà chưa thực sự có ý nghĩa tác động thay đổi hành vi, nhận thức của học sinh. Ví dụ “Khẩu hiệu tiên học lễ, hậu học văn” hay “Kính thầy yêu bạn”, các trường đều có nhưng ngay dưới khẩu hiệu ấy là những hành vi ngược chuẩn mực. Do đó, chưa thuyết phục và không hiệu quả.

Những quy tắc dành cho đối tượng cán bộ giáo viên cũng chưa được quy định rõ ràng và chưa công khai với mọi thành viên trong trường. Những quy định như thế khiến cho các hình thức kỷ luật hiện nay hoặc quá hà khắc hoặc quá lỏng lẻo. Nhiều giáo viên còn có quan điểm khá nặng nề về sử dụng chế tài, coi mỗi hình thức kỷ luật có thể áp dụng chung cho mọi đối tượng.

Đặc biệt, giáo viên chưa quan tâm tìm hiểu xem học sinh có đặc điểm riêng như thế nào, tại sao có những hành vi như thế để tìm cách giúp học sinh thay đổi theo hướng tích cực. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh cảm thấy bực bội, ấm ức, và lại không có cơ hội phản biện, sửa sai, hay chưa được khích lệ những chuyển biến dù là nhỏ nhất. Phương pháp giáo dục cực đoan này đôi khi sẽ gây phản tác dụng.

Như một số câu chuyện xảy ra trong thời gian vừa qua, xét thấy nhà trường, giáo viên đã chưa tuân thủ nguyên tắc căn bản của việc khen thưởng, kỷ luật học sinh. Đó là, giáo viên chưa thể hiện được việc tôn trọng sự khác biệt của các em. Thầy cô còn mang em này so sánh với em kia; Nhìn nhận khuyết điểm học sinh thiếu sự bao dung, chưa hiểu rõ những tâm tư, suy nghĩ của các em; Đôi khi xúc phạm, gây tổn thương thể chất, tinh thần của các em. Chưa kể việc giáo viên phối hợp với gia đình, lực lượng khác để giáo dục các em cũng chưa hiệu quả. Ví dụ, học sinh vi phạm, đã gặp cha mẹ nhưng chưa bàn bạc để cùng tìm sự đồng thuận trong cách nhìn nhận với học sinh, mà mới chỉ áp đặt theo quy định.

Những văn bản pháp quy sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ giáo viên, bảo hộ quyền học sinh. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng một số văn bản hiện hành như Thông tư 08/TT về khen thưởng kỷ luật học sinh đã được ban hành từ lâu (tháng 8/1988), Thông tư 58 về đánh giá xếp loại học sinh được ban hành năm 2011 cũng đã lạc hậu, có một số điểm không còn phù hợp nữa.

Giáo viên phổ thông cũng như nhà quản lý giáo dục đều đã được đào tạo tại các trường sư phạm; trong đó được đào tạo kiến thức về tâm lý học lứa tuổi và sư phạm . Đồng thời, Bộ GD&ĐT còn tiến hành bồi dưỡng thường xuyên hoặc không thường xuyên cho đội ngũ giáo viên về những chủ đề, lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ liên quan. Ngoài ra, phải kể đến sự tham gia tích cực của một số dự án phi chính phủ về nội dung kỷ luật tích cực đã có từ nhiều năm trước đây. Vậy vì sao các nhà trường, giáo viên không áp dụng và phát huy được, thưa bà?

Các giáo viên khi tốt nghiệp Cao đẳng và Sư phạm ra trường đã có đủ điều kiện tối thiểu hành nghề dạy học. Chẳng hạn, sinh viên hệ cao đẳng sư phạm được học về đặc điểm tâm sinh lý học sinh cấp THCS. Nhưng những đặc điểm tâm lý học sinh đã được dạy cho các trường sư phạm  là chung nhất cho tất cả đối tượng ở lứa tuổi ấy. Qua thời gian những yếu tố xã hội dịch chuyển, văn hoá du nhập, tác động tới học sinh, những thay đổi này là có gia tốc. Những học sinh THCS cách đây 10 năm, 20 năm đã khác với học sinh THCS bây giờ. Nhiều giáo viên lâu  năm trong nghề, dù khá tự tin trong việc giáo dục cho các em nhưng đến nay các cô tự cảm thấy đôi khi không theo kịp được với sự thay đổi về tâm lý, hành vi của các em. Do đó, khi ứng phó với học sinh, giáo viên tự nhận thấy là thiếu hụt.

Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tư vấn học đường, bổ sung thêm cho giáo viên về kỹ năng, kiến thức giải quyết những vấn đề thường gặp phải ở học sinh để có phương pháp giải quyết các tình huống theo cách bền vững. Muốn học sinh thay đổi nhận thức giáo viên cần chủ động nắm bắt, chứ không phải chỉ áp dụng chế tài. Ngành giáo dục đã có những dự án của các tổ chức phi Chính phủ về kỷ luật tích cực trong trường học. Trong đó thí điểm tại nhiều trường với các vùng miền khác nhau. Nhiều giáo viên cũng đã được tập huấn, triển khai. Vậy, vì sao những dự án kỷ luật tích cực này không phát huy được?

Cần khẳng định rằng: Nhiều ý tưởng, sáng kiến và đóng góp hỗ trợ của các dự án phi chính phủ có ý nghĩa cả góc độ khoa học lẫn thực tiễn. Những tổ chức như: Plan, UNICEF, UNESCO, ILO,… đã làm việc với Bộ GD - ĐT kết nối với Viện khoa học Giáo dục Việt Nam. Các Dự án đều huy động đông đảo chuyên gia tham gia xây dựng. Ở góc độ nào đó, các dự án này tác động đến nhận thức và hành vi của bộ phận học sinh giáo viên, cán bộ quản lý. Tuy nhiên, các dự án có giới hạn vùng chứ không phải phủ hết cả nước, chưa kể dự án có giới hạn về nguồn lực và thời gian. Mặc khác, còn phụ thuộc vào việc các đơn vị tiếp nhận có tiếp nối và phát triển hay không? Có những dự án sau khi kết thúc được Bộ GD - ĐT chỉ đạo dài hơi, đi kèm những đánh giá bền vững thì có hiệu quả. Nhưng có những nơi không có rà soát, kiểm tra, chắc chắn ảnh hưởng đến việc phát triển sau này. Ví dụ mô hình kỷ luật tích cực do Plan đưa ra là sản phẩm có giá trị. Đây là tài liệu chúng tôi tham khảo được trong quá trình soạn thảo thông tư mới.

Nguyên nhân nữa là nhiều giáo viên, nhà trường có tâm lý lệ thuộc vào những chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên. Đa số giáo viên thấy cấp trên không nhắc nhở thì lại tạm “giãn”. Nhiều giáo viên khá tự tin vào kinh nghiệm, định kiến suy nghĩ của mình nên giải quyết vấn đề mang tính chủ quan, cảm tính, chứ chưa giải quyết dựa trên tâm tư, nguyện vọng của người học. Chưa kể, nhu cầu muốn nâng cao năng lực trong kỹ năng xử lý các tình huống kỷ luật học sinh của giáo viên chưa thực sự rõ nét.

Giáo viên là nạn nhân của thành tích, từ một số nhà quản lý. Họ đầu tiên muốn có sự thi đua để cố gắng phấn đấu, do đó thành tích là động lực giúp cho giáo viên nỗ lực, nhưng đôi khi cũng khiến giáo viên quá mệt mỏi.

Bà có thể chia sẻ phương pháp kỷ luật tích cực ngành giáo dục đang hướng tới là gì?

Với thực trạng hiện nay, kỷ luật trong trường học cần thay đổi theo hướng kỷ luật tích cực. Kỷ luật tích cực là hệ thống các biện pháp giáo dục; Là biện pháp nhằm tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực. Những biện pháp giáo dục kỷ luật giúp học sinh cải thiện ý thức, hành vi cũng như kết quả học tập, cải thiện giáo dục nhà trường; Tạo được sự quan tâm, sát sao và trách nhiệm của thầy cô, cha mẹ với học sinh. Hạn chế những hành vi vi phạm gây phiền hà, ảnh hưởng tới không gian kỷ luật trong nhà trường. Đây là căn cứ để chúng tôi điều chỉnh Thông tư mới.

Kỷ luật phải dựa trên sự tôn trọng tập thể, phát triển nhân cách mỗi thành viên trong môi trường đó. Giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực. Phê bình, kỷ luật, trách phạt sẽ đi kèm nhưng phải giảm thiểu tối đa những hành vi lệch lạc. Bởi kỷ luật không chỉ là các hình thức trách phạt. Cha mẹ, người học, nhà trường nhận thấy tính kỷ luật trong nhà trường là công bằng thì sẽ sẵn sàng tuân thủ.

Chính vì thế quy định về khen thưởng, kỷ luật mà Bộ GD- ĐT  đã ban hành chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên. Bộ trưởng Bộ GD- ĐT giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nghiên cứu, rà soát, tham mưu, soạn thảo thông tư mới. 

Vậy, những định hướng kỷ luật tích cực được thể hiện trong thông tư sắp ban hành về kỷ luật trong trường học này là gì?

Thông tư mới có những định hướng cần thể hiện sau đây:

Thứ nhất, thực hiện kỷ luật học đường là quá trình bao gồm các biện pháp giáo dục toàn diện làm sao học sinh và các thành viên trong trường học cùng đồng thuận, tuân thủ, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và hiệu quả chứ không phải chỉ là thực hiện khung hình phạt và khen thưởng.

Thứ hai, biện pháp kỷ luật nhà trường cần mang tính tích cực để cải thiện chất lượng giáo dục của nhà trường. Đảm bảo thân thiện, tính bao dung khi nhìn nhận những vi phạm và thể hiện tôn trọng, tránh tổn thương thể chất, tinh thần cho học sinh. Đây là yêu cầu rõ ràng.

Thứ ba, Bộ GD- ĐT đưa ra những quy định về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, hình thức và phương pháp giáo dục tính kỷ luật cho học sinh. Chúng tôi sẽ xây dựng khung chung quy định hình thức, phương pháp giáo dục kỷ luật... Phần còn lại là các cơ sở giáo dục tiếp tục phát triển để xây dựng tại mỗi cơ sở. Một yêu cầu nhất thiết phải có là sự tham gia của các bên liên quan, gồm: học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý, đặc biệt là học sinh cần có ý kiến. Đây cũng như là bản cam kết của các bên về việc sẽ sẵn sàng thực thi.

Trước đây, những quy định về cơ bản thường do lãnh đạo trường học, cơ quan cấp trên chỉ đạo, trong  khi học sinh là người trực tiếp thực hiện lại không có ý kiến gì cả. Mặt khác, cha mẹ học sinh cũng có quyền và trách nhiệm tham gia để hiểu và cùng phối hợp. Trên tinh thần những đổi mới này phải theo hướng tích cực, không áp đặt, các trường học sẽ đưa ra phương án chi tiết để triển khai. Nếu Bộ GD - ĐT đưa quá chi tiết thì nhiều khi quy định không thật sự phù hợp với từng địa phương.

Trân trọng cám ơn bà!

Lê Vân/ Báo Tin tức
 Kỷ luật học sinh: Sự bền bỉ của giáo viên quyết định kỷ luật tích cực
Kỷ luật học sinh: Sự bền bỉ của giáo viên quyết định kỷ luật tích cực

Học sinh mong muốn thầy cô hãy lắng nghe mình nhiều hơn. Trong khi đó, giáo viên cho rằng áp lực lớn nhất của giáo viên chính là sự kiên nhẫn. Bởi chỉ có kiên nhẫn mới giáo dục được nhân cách học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN