Sắp xếp lại các trường học tại Vĩnh Phúc theo hướng tinh gọn

Thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị trong tỉnh giai đoạn 2016-2021…, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực sắp xếp lại các trường học theo hướng tinh gọn, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chú thích ảnh
Trường THPT Quang Hà (Bình Xuyên) đã ổn định việc dạy và học sau sáp nhập. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Đến tháng 10/2018, Vĩnh Phúc đã giảm 32 trường, trong đó bậc Tiểu học và Trung học cơ sở giảm 20 trường. Sở Giáo dục - Đào tạo cũng giảm 1 phòng chuyên môn, từ 10 phòng xuống còn 9 phòng. Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật đã được bàn giao về Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc quản lý. Hai trường dân tộc nội trú Lập Thạch và Tam Đảo chuyển về UBND cấp huyện quản lý. 7 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề chuyển về UBND huyện quản lý. Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh các trường Trung học Phổ thông giao về Trạm Y tế cấp xã...

Tỉnh có quyết định sắp xếp tổ chức lại các trường trên địa bàn. Đáng chú ý, tỉnh đã bố trí sắp xếp lại cùng lúc 6 trường Trung học Phổ thông. Hiện 6 trường được tổ chức lại hoạt động ổn định về mọi mặt. Mỗi trường đều có phân hiệu 2, giữ nguyên cơ sở vật chất.

Vĩnh Phúc đã chỉ đạo ngành Giáo dục- Đào tạo, ngành chức năng và địa phương trong tỉnh không được bổ nhiệm các hiệu trưởng, hiệu phó sai quy định, không tổ chức tuyển dụng giáo viên ồ ạt. Từng bước tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đúng kế hoạch, đúng lộ trình.

Công tác sắp xếp, tổ chức trường học, các đơn vị ngành Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá là việc làm cần thiết. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có diện tích nhỏ nhưng có tới 30% là đồi núi. Khu vực đồi núi của tỉnh không có dân cư sinh sống hoặc sinh sống thưa vắng. Để tồn tại nhiều trường quá gần nhau, nhất là vùng có nhiều đồi núi nảy sinh nhiều bất cập, trên thực tế đã có một số trường lớp quá ít học sinh so với quy định.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, địa bàn tỉnh đã có 13 trường Trung học Phổ thông bán công được thành lập và đặt gần các trường Trung học Phổ thông công lập đã có từ trước. Sau này, khi các trường Trung học Phổ thông bán công chuyển thành công lập, một số trường có khoảng cách quá gần nhau, gây khó khăn cho việc tuyển sinh. Tình trạng này vừa khiến bộ máy cồng kềnh lại gây lãng phí cơ sở vật chất, bởi có trường chỉ có trên 200 học sinh ở cả 3 khối, trong khi hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng giống như các trường có quy mô cả ngàn học sinh.

Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020 ngành giáo dục - đào tạo Vĩnh Phúc còn tiếp tục giảm 22 trường (4 trường Mầm non, 16 trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, 2 trường Phổ thông Trung học). Vĩnh Phúc đang chỉ đạo ngành chức năng tập trung thực hiện, coi trọng đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch và công bằng cho đội ngũ nhà giáo, đội ngũ quản lý trong ngành...

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Sáp nhập trường học cần phù hợp với đặc thù từng địa phương
Sáp nhập trường học cần phù hợp với đặc thù từng địa phương

Thực hiện chủ trương sáp nhập các trường học, một số địa phương tại Sơn La đã triển khai nội dung này; trong đó, huyện Phù Yên là một trong những địa phương có nhiều trường học được sáp nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN