Tự chủ tuyển dụng giáo viên liệu có mang lại hiệu quả?

Dự kiến đến năm 2020, tất cả các trường THPT tại TP Hồ Chí Minh sẽ được tự chủ trong tuyển dụng giáo viên cho đơn vị của mình. Chủ chương này được sự đồng thuận của hầu hết các trường vì sẽ tuyển được những nhân sự phù hợp theo mong muốn.

Chủ động tuyển nhân sự phù hợp

Theo phương thức tuyển dụng hiện nay, khi các trường thiếu giáo viên sẽ đăng ký lên Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT), sau đó Sở sẽ đưa giáo viên về trường theo như yêu cầu trường gửi lên. Tuy nhiên, do các trường không trực tiếp tuyển dụng nên vẫn có những mặt không được như ý muốn của trường, đặc biệt là đối với những trường chuyên, trường dạy theo mô hình tiên tiến.

Chú thích ảnh
Tự chủ tuyển dụng giúp các trường tuyển dụng được giáo viên phù hợp với yêu cầu của trường.

Để tạo điều kiện cho các trường chủ động, tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển đội ngũ theo nhu cầu thực tế gắn với vị trí việc làm tại đơn vị, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã thực hiện phân cấp tự chủ viên chức cho các trường.

Theo đó, trong năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh phân cấp tuyển dụng nhân sự cho 2 trường chuyên THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Theo lộ trình, sau các trường chuyên là các trường có lớp chuyên, các trường thuộc mô hình nhà trường tiên tiến. Dự kiến phân cấp tuyển dụng các trường THPT sẽ thực hiện từ sau năm học 2020 – 2021.

Cô Đồng Thị Kim Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết theo phương thức tuyển dụng hiện nay, nhà trường thiếu giáo viên thì Sở GD&ĐT sẽ tuyển và đưa giáo viên về trường theo yêu cầu của nhà trường. Tuy nhiên, do trường dạy theo mô hình tiên tiến nên những yêu cầu về giáo viên có cao hơn so với những trường phổ thông khác. Do đó, trong quá trình về giảng dạy tại trường cũng có một số giáo viên mới sau thời gian tập sự vẫn không đáp ứng được yêu cầu và trường phải trả lại nhân sự cho Sở.

“Để các trường tự chủ tuyển dụng nhân sự, sự phân cấp tự chủ giáo viên của Sở thực sự là một chủ trương tốt. Theo đó, các trường sẽ tuyển dụng được nhân sự đáp ứng được yêu cầu đặc thù của nhà trường”, cô Thủy chia sẻ thêm.

Ông Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) cũng hết sức ủng hộ quyết định phân cấp trách nhiệm tự chủ biên chế vì nhà trường có được sự chủ động trong tuyển dụng. Theo ôngViệt, có như vậy nhà trường mới có thể tuyển được người có năng lực, chịu đổi mới, sáng tạo và đáp ứng được những yêu cầu dạy học của một trường chuyên.

“Đây là bước đột phá lớn, là cơ hội để người sử dụng lao động tuyển dụng được người giỏi, thỉnh giảng được người tốt, phù hợp với đặc thù từng trường để nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời cũng là cách làm hướng đến việc xã hội hóa giáo dục”, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đánh giá.

Công khai minh bạch, tránh lạm quyền

Chú thích ảnh
 Việc tuyển dụng giáo viên phải có hội đồng chuyên môn để tránh việc lạm dụng người nhà.

Mặc dù việc giao quyền tự chủ tuyển dụng cho các trường được đánh giá là một chủ trương tốt, đáp ứng được số lượng viên chức cần bổ sung trong chỉ tiêu biên chế, phục vụ kịp thời các hoạt động giảng dạy, chuyên môn, nghiệp vụ của nhà trường cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên phù hợp với chiến lược phát triển nhà trường, thế nhưng vẫn có nhiều ý kiến lại tỏ ra e ngại việc tự chủ này có thể sẽ xảy ra tiêu cực vì toàn quyền thuộc về hiệu trưởng.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận khi thực hiện chủ trương vào thực tế cũng khó tránh được tiêu cực xảy ra trong quá trình tuyển dụng, như tuyển dụng dựa trên mối quan hệ cá nhân hoặc nhận đút lót, tuyển không đúng năng lực, không coi trọng chất lượng đội ngũ, đội ngũ khi được tuyển dụng không đảm bảo yêu cầu... Vì vậy, Sở GD&DT cần giám sát chặt chẽ quá trình tuyển dụng. Hơn hết, cần nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng đối với công việc của mình.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc trao thêm quyền cho nhà trường, cho hiệu trưởng là tốt nhưng cũng cần có cơ chế điều tiết và cần phải có hội đồng nhà trường giám sát hoạt động của hiệu trưởng, mà hội đồng phải có khả năng thực. “Trước kia, khi Sở GD&ĐT đưa giáo viên về, nếu xảy ra bất cứ chuyện gì thì Sở sẽ chịu mọi trách nhiệm. Như vậy, hiệu trưởng tuyển dụng, nếu xảy ra tiêu cực thì cũng phải chịu trách nhiệm trước toàn trường. Trong trường hợp này, trách nhiệm hiệu trưởng là rất nặng nề. Hơn nữa, việc tuyển dụng đều có sự đánh giá của hội đồng sư phạm toàn trường thì rất ít khả năng xảy ra tiêu cực”, ôngPhạm Quốc Việt nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, cho biết quy trình tuyển dụng đã có những văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Trong đó, yếu tố đầu tiên trong quá trình xét tuyển phải công khai và minh bạch từ kế hoạch, thời gian xét tuyển, quy định về việc thành lập hội đồng xét tuyển, điểm số đến chủ trương phân cấp tuyển dụng trong hội đồng sư phạm… “Cùng với quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên, của tổ chức, cá nhân trong trường và ngoài trường, chắc chắn sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng lạm quyền của hiệu trưởng nếu có. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để giúp ngành, các đơn vị, cá nhân nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động tích cực trong phòng ngừa, không để sai phạm xảy ra”, ông Sơn cho biết thêm.

Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, việc phân cấp tuyển dụng cũng nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả tại các đơn vị đặc thù. Tuy nhiên, để chủ trương trở thành hiện thực, việc triển khai và tổ chức thực hiện phải thận trọng, có lộ trình, trong quá trình thực hiện có sơ kết rút kinh nghiệm, có hội nghị để trao đổi, bàn bạc một cách nghiêm túc.

Trước khi phân cấp, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị để trao đổi, nghe ý kiến các đơn vị, rà soát đánh giá năng lực các đơn vị dự kiến phân cấp, tổ chức tập huấn cán bộ quản lý và những người trực tiếp xét tuyển; thẩm định hồ sơ xét tuyển của đơn vị, giám sát công tác xét tuyển, kịp thời hỗ trợ các đơn vị khi gặp khó khăn phát sinh; sẽ xử lý kiên quyết nếu tổ chức, cá nhân sai phạm trong công tác xét tuyển, kể cả người đứng đầu đơn vị.

Mai Phương/Báo Tin tức
Được nhờ trông lớp 1, cô giáo bắt tất cả học sinh ngậm bút trong miệng
Được nhờ trông lớp 1, cô giáo bắt tất cả học sinh ngậm bút trong miệng

Ngày 28/9, phóng viên đã làm việc với ông Đoàn Quý, Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Lợi, TP Huế về sự việc một cô giáo được nhờ coi lớp 1 đã bắt học sinh toàn lớp ngậm bút trong miệng để giữ im lặng, đang xôn xao trên mạng xã hội Facebook.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN