Vinh danh 50 nhà giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 18/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 21 năm 2018.

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo thành phố trao giải thưởng cho các thầy, cô giáo.

Giải thưởng do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức hàng năm nhằm vinh danh các nhà giáo, cán bộ quản lý trong công tác giáo dục của thành phố. Giải thưởng năm nay vinh danh 50 nhà giáo, gồm 39 giáo viên và 11 cán bộ quản lý đến từ các cơ sở giáo dục tại 24 quận, huyện.

Những nhà giáo được nhận giải thưởng hội đủ các tiêu chí am hiểu nghề nghiệp; có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, được đồng nghiệp tín nhiệm, tin yêu, được phụ huynh và học sinh kính trọng; có sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn.

Gắn bó với trường hơn 25 năm, từ vai trò là giáo viên đến quản lý, thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (Quận 6) luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu quý, trân trọng và tin tưởng. Là người đứng đầu một trường có chất lượng đào tạo tốt, nằm trong top 10 trường có điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 cao nhất thành phố, thầy Bùi Trí Hiệp chia sẻ, Trường vốn có bề dày truyền thống dạy tốt, học tốt. Các thầy, cô Hiệu trưởng tiền nhiệm đã dày công vun đắp hai thế mạnh của Trường, đó là: Thầy, cô tận tâm giảng dạy và học sinh có nề nếp chăm ngoan.

“Bản thân tôi luôn nỗ lực tiếp nối truyền thống nhà trường bằng cả tâm huyết của mình với nghề. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường sư phạm thật tốt, quan tâm chăm lo điều kiện làm việc để phát huy tài năng của từng thầy, cô trong nhà trường. Xây dựng trường học thân thiện, tạo điều kiện để học sinh thể hiện nguyện vọng và phát huy năng lực sở trường của mình” - thầy Bùi Trí Hiệp chia sẻ.

Một trong 50 những gương mặt được vinh danh tại giải thưởng năm nay, thầy Đào Văn Danh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) là người luôn tích cực trong việc áp dụng các phương pháp mới trong giảng dạy. Tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học, nhất là những tiết dạy tác phẩm văn học dài, thầy Danh thường chia nhỏ tác phẩm và cho học sinh diễn kịch, tiểu phẩm tái hiện nội dung tác phẩm. Thầy cũng lồng ghép vào bài giảng nhiều hình ảnh minh họa, kết hợp hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Từ đó, học sinh nhớ lâu, hiểu kỹ các tác phẩm hơn.

Chú thích ảnh
Giải thưởng Võ Trường Toản nhằm vinh danh các nhà giáo, cán bộ quản lý trong công tác giáo dục của thành phố.

Biểu dương những nỗ lực của thầy, cô giáo trong suốt quá trình công tác trong ngành, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành giáo dục thành phố tự hào về đội ngũ thầy cô giáo, luôn khắc phục mọi khó khăn, tích cực đổi mới sáng tạo trong công việc trồng người.

Trước những yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện đặt ra với ngành giáo dục, tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo thành phố quyết tâm phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, kiên trì thực hiện đổi mới với mục tiêu xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại, coi trọng giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức; xây dựng môi trường học tập tốt, phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tin, ảnh: Thu Hoài (TTXVN)
Tấm lòng thơm thảo của 'mẹ Nguyên'
Tấm lòng thơm thảo của 'mẹ Nguyên'

Với mong muốn được giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không phải vượt đường xa để theo đuổi con chữ, hơn 4 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, công tác tại trường Tiểu học Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã nấu ăn miễn phí và dành chỗ nghỉ trưa cho các em học sinh ở các thôn xa về điểm trường trung tâm xã học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN