Đồng hành qua ‘cánh cửa’ thứ 3

Trong 4 “cánh cửa” sinh, lão, bệnh, tử mà hầu như con người nào cũng phải bước qua, có lẽ “bệnh” là chặng đời gian nan nhất của mỗi số phận. Chăm lo cho người bệnh đi qua cánh cửa đó, cũng là một trong những biện pháp thực hiện an sinh xã hội hiệu quả, thiết thực.

21 tháng 9 năm 2018, trong đống đổ nát của vụ cháy "khu nhà trọ từ thiện” cạnh bệnh viện Nhi Hà Nội, người dân phát hiện hai thi thể đã thành than được cho là cặp vợ chồng hiếm muộn của vùng cao Phú Thọ, do con nhỏ sinh ra thiếu tháng phải nằm trong bệnh viện, đã thuê chỗ ngủ trong khu trọ nghèo này, hàng ngày thay phiên nhau vào viện chăm con. Ngọn lửa lấy đi mạng sống của cặp vợ chồng này, thiêu trụi chỗ trọ tồi tàn, đẩy hàng trăm người nhà bệnh nhân vào cảnh màn trời chiếu đất, không còn tài sản, tiền bạc.

Không phải tới khi xảy ra vụ cháy này, những mảnh đời khốn cùng mới được biết đến. Tại Hà Nội, có những “xóm” được gọi bằng tên bệnh đang được điều trị: Xóm chạy thận, Xóm ung thư…, quanh các bệnh viện: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện K… Tại những thành phố lớn khác, chắc cũng không ngoại lệ. “Cư dân” của các “xóm” này sống trong điều kiện tối giản nhất: Một manh chiếu để ngủ, đôi xoong nồi, bát đĩa, cặp lồng để tạm bợ bữa ăn… Những căn bệnh mãn tính đã khiến nhiều gia đình khánh kiệt, nên người bệnh và thân nhân khi chấp nhận tiếp tục điều trị, phải chấp nhận cảnh sống nheo nhóc trong những khu trọ tồi tàn này, hàng ngày chắt bóp từng miếng cơm manh áo để dành dụm cho thuốc men.

“May mắn” hơn những cảnh đời nghèo khó phải thuê trọ, là những trường hợp nằm viện mà người nhà có thể ra vào và “tạm trú” trong các phòng bệnh. Trong hành lang các bệnh viện, thậm chí ngay trong các phòng bệnh, cạnh giường bệnh, luôn là hành lý, giường gấp, đồ đạc của thân nhân đi theo chăm sóc bệnh nhân. Cảnh một người nằm viện có 3 - 4 người thân phân nhau vạ vật chực chờ là điều phổ biến. Một phần là lý do tình cảm, phần khác, mỗi bệnh nhân đều cần nâng đỡ trong các sinh hoạt cá nhân, nên có thêm người nhà ở bên là không tránh khỏi. Nhiều gia đình neo đơn, phải thuê người chăm sóc, hình thành một “thị trường lao động” đặc thù tại các bệnh viện.

Nếu nhìn một cách lạnh lùng, thì cảnh tượng nheo nhóc khi người nhà theo chăm bệnh đã và đang khiến các bệnh viện đã quá tải về mật độ càng trở nên quá tải hơn; và khiến bộ mặt đô thị ở những khu dân cư quanh cách bệnh viện trở nên nhếch nhác, thậm chí tiềm ẩn rất nhiều tệ nạn xã hội cũng như hàm chứa các hiểm nguy về cháy nổ. Vụ cháy vừa rồi tại khu trọ quanh bệnh viện Nhi Trung ương là một ví dụ.

Nhưng không ai đánh giá như vậy. Hầu như người nào chứng kiến cảnh sống chật vật của bệnh nhân nghèo và thân nhân của họ đều hết sức cảm thương. Và vì quá quen với cảnh cảnh “nằm viện đồng nghĩa người nhà vạ vật theo”, nên người ta chấp nhận điều này như một thực tế, không nghĩ tới việc phải khắc phục, thay đổi.

Giảm quá tải cho các bệnh viện – nội dung này là bài toán đau đầu, là nỗi trăn trở của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo ngành Y tế nói chung và mỗi bệnh viện trên cả nước nói riêng. Có lẽ do tập trung cho giảm mật độ bệnh nhân/giường bệnh, nên những chăm sóc ngoài y tế, ví dụ những sinh hoạt tối thiểu của bệnh nhân và thân nhân vẫn chưa có điều kiện quan tâm tới một cách toàn diện.

Tại Hà Nội, một số bệnh viện lớn (ví dụ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện E…) đã đầu tư những khu lưu trú sạch sẽ, tiện nghi hơn với giá rẻ (cũng chỉ khoảng 15.000 đồng/ người/ngày – thời giá 2018) dành cho thân nhân và những bệnh nhân nhẹ ngoại trú. Đây là những nỗ lực rất lớn của bệnh viện, trên tinh thần thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bệnh nhân và người nhà. Tất nhiên, số bệnh nhân, người nhà được sống trong không gian này không thấm vào đâu so với nhu cầu. Và tất nhiên không phải bệnh viện nào cũng làm được điều đó, bởi khó khăn về kinh phí, quỹ đất… Do đó, cảnh “một người nằm viện cả nhà lao đao” vừa mệt mỏi, vừa lãng phí vẫn tái diễn, và những khu trọ tồi tàn, ẩm thấp, nhiều rủi ro quanh các bệnh viên vẫn chưa thể xoá bỏ hoàn toàn.

Có một số bệnh viện đã áp dụng mô hình: bệnh nhân trong cùng phòng điều trị góp tiền mượn một người chăm sóc chung cho tất cả. Vậy là người nhà tương đối rảnh rang, có thể vẫn tiếp tục đi làm trong sự yên tâm với sự phục vụ của các “hộ lý” không chuyên và chi phí không quá lớn. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn câu hỏi: Tại sao, khi mà các y tá, điều dưỡng, thậm chí sinh viên các ngành y , dược ra trường khá chật vật tìm việc làm, thì bản thân các bệnh viện không thể tiếp nhận, để tổ chức thành mô hình chăm sóc chuyên nghiệp, trước mắt trên tinh thần xã hội hoá, để giải phóng những khó khăn trong chăm sóc của thân nhân người bệnh, và khi cần thì kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ riêng khâu này, cho những bệnh nhân khó khăn? Bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi các quỹ đất cho bệnh viện (điều này khá bế tắc đối với khu vực đô thị tấc đất tấc vàng), và các đầu tư tài chính, thì mỗi bệnh viện cần để tâm hơn nữa tới phần việc này. Tiến tới, là chuyên nghiệp hoá công tác này, để các bệnh nhân, dù ở mức thu nhập như thế nào, một khi vào viện, dù viện công là được hoàn toàn yên tâm, và người nhà được “giải phóng” hoàn toàn như khi vào các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế.

Có như vậy, người bệnh và thân nhân của họ, mỗi khi đối diện với “cánh cửa” bệnh tật của quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” mới không phải quá đỗi khốn khổ như hiện nay.

Thuỳ Hương
Xác định nhân thân hai người thiệt mạng trong vụ cháy trên đường Đê La Thành
Xác định nhân thân hai người thiệt mạng trong vụ cháy trên đường Đê La Thành

Cơ quan chức năng đã xác định được hai nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy trên đường Đê La Thành là đôi vợ chồng quê quán ở Thanh Sơn, Phú Thọ, thuê trọ gần sát Bệnh viện Nhi Trung ương để trông con đang điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN