Không thể phủ nhận!

Nhân quyền và bảo vệ nhân quyền đã trở thành vấn đề chung của nhân loại, là câu chuyện được quan tâm hàng đầu ở hầu hết các quốc gia. Dĩ nhiên, Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó, thậm chí còn có thể tự tin mà khẳng định rằng, Việt Nam góp một “dòng nước mát lành” hòa chung vào dòng chảy nhân quyền mạnh mẽ của toàn nhân loại.

Chú thích ảnh
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Văn phòng Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khoá họp lần thứ 39 Hội đồng Nhân quyền LHQ, diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), từ ngày 10 đến ngày 28/9. Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thực thi quyền con người, tôn trọng nhân quyền trong suốt những năm qua là điều không thể phủ nhận, cho dù các thế lực thù địch  có cố tình bóp méo, vu khống hay nhẹ hơn là không muốn công nhận.

Đúng 70 năm trước (ngày 10/12/1948), Liên Hiệp Quốc công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Hai năm sau, ngày này chính thức được công nhận là Ngày nhân quyền thế giới. Nhưng ngay từ năm 1946, trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đã quy định các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ. Và trong suốt hành trình dài của lịch sử sau đó, Việt Nam đã không ngừng xây dựng nền tảng pháp lý đầy đủ, vững chắc và toàn diện về nhân quyền. Đảng và Nhà nước đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người; luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Không ai có thể phủ nhận thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ, đầy đủ để bảo vệ nhân quyền. Trong các bản hiến pháp tiếp theo năm 1959, 1980, 1992, chúng ta đã liên tục hoàn thiện quy định và khẳng định sự nhất quán các nguyên tắc về quyền con người. Và hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến bảo đảm quyền con người. Các văn bản pháp luật được ban hành nhất là từ sau Hiến pháp năm 2013 cũng nhiều vô kể, đã thể chế hóa các nguyên tắc về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm sự hài hòa với các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Cũng không ai có thể phủ nhận quá trình Việt Nam nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Đến nay chúng ta đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người; thực hiện đầy đủ các khuyến nghị quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam công nhận; tham gia hiệu quả vào các hoạt động, phong trào, tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới…

Càng không thể phủ nhận thành quả đã hiển hiện rằng, sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nhất là thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trước đây và các Mục tiêu Phát triển bền vững hiện nay. Từ một đất nước nghèo kém phát triển, người dân thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên đạt tăng trưởng GDP cao trên 6% trong hơn 20 năm qua, là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới và từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống của gần 100 triệu người dân được nâng cao.

Có một điều rất nhiều thế lực muốn phủ nhận nhưng cũng không thể phủ nhận nổi, đó là quyền tự do ngôn luận, tôn giáo… của công dân Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet là minh chứng sống động về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng các chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng; các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội..., cũng đã là minh chứng hùng hồn cho việc tôn giáo được tự do phát triển và được tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt.

Chú thích ảnh
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tại cuộc họp thường kỳ tháng 5/2018. Ảnh: TTXVN

Một biểu hiện tiêu biểu về tôn trọng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam là tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo ngày càng cao, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội của Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 9/135 nước trên thế giới. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn trong các kỳ họp của Quốc hội; việc thực hiện đối thoại, các cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri; người dân được đóng góp ý kiến cho các kế hoạch phát triển của đất nước đã cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện tốt nhất để cho mỗi người dân thực hiện quyền làm chủ của mình…

Rõ ràng, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc bảo đảm thực thi quyền con người là Không thể phủ nhận!

Thế nhưng, trên thực tế, các thế lực thù địch lại không ngừng tìm mọi cách phủ nhận những nỗ lực và thành tựu của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ dân chủ, nhân quyền. Chúng liên tục dùng chiêu bài nhân quyền để xuyên tạc, bóp méo, kích động nhằm gây rối trật tự an ninh xã hội, chia rẽ mất đoàn kết, niềm tin trong nhân dân, tiến tới lật đổ chính quyền và xóa bỏ CNXH ở nước ta. Chúng dùng sức ép từ bên ngoài và “ngọn cờ” từ bên trong để tiến hành rất nhiều thủ đoạn nguy hiểm, tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, đàn áp “những người bất đồng chính kiến”...

Đã có những vụ việc biểu tình, bạo động trái phép chống đối chính quyền và vu khống kiểu này xảy ra do người dân bị lôi kéo, kích động. Gần đây nhất là vào giữa năm nay, đã xảy ra hàng loạt vụ bạo loạn trái phép ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Thanh Hóa… Những vụ việc này cho thấy, thậm chí việc Nhà nước ta chủ trương xây dựng, thông qua các luật để bảo vệ, thực hiện quyền công dân như Luật An ninh mạng cũng bị bóp méo, xuyên tạc thành ngược lại, để làm cái cớ kích động người dân nhẹ dạ, vô hình chung tiếp tay cho phản động và “đưa tay” vào còng số 8!

Chắc chắn, trong tình hình hiện nay, việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền vẫn là chiêu bài được các thế lực bên ngoài triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định, can thiệp sâu vào nội bộ của ta. Nhưng dù có cố tình phủ nhận, “bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc” đến đâu thì cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, dân chủ, nhân quyền. Điều này được thể hiện rõ ràng, nhất quán trong hệ thống quan điểm, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn hoạt động tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.

Chúng ta đang được sống trong một xã hội công bằng; được đảm bảo tốt nhất các quyền lợi cá nhân, tập thể; được tự do nói, viết và làm theo pháp luật; được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra… Chỉ cần nhận thức rõ được điều đó, thì chắc chắn không có một thế lực nào có thể lợi dụng, kích động chúng ta bằng chiêu bài bóp méo nhân quyền, dân chủ; phản bội lại đất nước, mất niềm tin vào Đảng! Để thực hiện và bảo vệ nhân quyền, thì cần cả sự nỗ lực đồng lòng từ hai phía: Nhà nước và nhân dân. Có như vậy, mới tạo nên một nền tảng vững chắc, một niềm tin bất tận để chúng ta thực hiện các quyền của mình đã được Đảng, Nhà nước trao cho, và qua đó góp phần bảo vệ sự bình yên của đất nước!

Ninh Hồng Nga
Sự cầu thị cần thiết
Sự cầu thị cần thiết

Tại phiên họp thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân, của dư luận xã hội trong việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN