Nhìn từ… tiếng còi xe

“Ở đây có một điểm khác biệt ở Việt Nam là các anh chị không bao giờ nghe tiếng còi xe khi đi ra đường, cho dù đường sá xe cộ đông đúc…” câu nói này của một anh bạn người Campuchia cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi còn xem cư dân mạng chia sẻ một clip, cảnh sát Campuchia phạt một thanh niên “nẹt pô xe” bằng cách kê tai anh ấy vào pô xe của mình và anh cảnh sát nổ máy, “nẹt pô” cho anh ấy nghe một lúc… cho đỡ buồn.

Cách đây vài tuần, một đồng nghiệp chia sẻ trên facebook rằng, tiếng còi xe như những cái tát vào mặt… họ thản nhiên “tát” khi dừng đèn đỏ, “tát” khi muốn vượt lên, “tát” khi lấn làn và phần lớn là tát theo thói quen tranh giành đường, tát vì nghĩ đường chỉ dành riêng cho mỗi mình họ cho dù họ đang dừng đèn đỏ phía sau bao nhiêu người…

Mấy năm trước, trên xa lộ Hà Nội – TP HCM có một vụ tai nạn giao thông khá thương tâm khi một lái xe container đi đến sát một nữ sinh trên đường rồi bóp còi (với ý trêu chọc) nữ sinh ấy giật mình ngã xe và chiếc xe container không phanh kịp, khiến cô gái tử vong … sau tiếng còi ấy.

Một người bạn của tôi vừa mới mua ô tô, việc đầu tiên của anh ấy là đi “độ” một cái còi tiếng to hơn vì lí do bây giờ ra đường nguy hiểm quá, họ chạy xe ẩu, bất chấp luật lệ. Anh mới có bằng lái xe, mỗi lần bị xe máy “cúp đầu” cắt mặt thì rất hoảng. Nhiều lúc xe máy cứ lượn lờ trước mũi xe mà bóp còi mãi vẫn không tránh đường… vậy nên anh quyết định đầu tư cái còi to cho yên tâm…

Ở Thái Lan và nhiều quốc gia khác, khi bạn giơ tay ra dấu xin qua đường, cho dù là trên đường quốc lộ, hay trong đô thị đông đúc, tất cả các xe đều tự giác dừng lại ngay ngắn nhường đường cho bạn. Ở Ấn Độ, nơi nổi tiếng “lộn xộn” về giao thông, mọi vụ kẹt xe, phần lớn các lái xe tự xuống xe, điều tiết, nhường nhau để giải quyết mà không cần đến bóng dáng của cảnh sát…

Còn ở Việt Nam, nếu bạn qua đường, dù có ra hiệu xin xỏ đủ các kiểu, bạn cũng phải “uyển chuyển” vượt qua những chiếc xe lao vun vút như tên. Còn nếu rơi vào một trận kẹt xe, bạn sẽ thấy các bác tài xế hộp thản nhiên mở nhạc nghe và cố lấn từng chút một dù biết rằng, lấn thêm 20 cm đường chỉ giúp cho tình trạng kẹt xe càng khó giải quyết…

Khi còn bé, tôi vẫn thường tự hào về giai thoại của những “ông Trạng” trong lịch sử, giỏi “hơn thua” ứng biến với các nước lân bang bằng những câu đối đáp “khôn ngoan”. Thú vị về những “thần đồng” ăn nói “có phần xấc xược” với những “ông quan lớn”. Nhưng khi đủ nhận thức để suy nghĩ lại, tôi hiểu rằng, chúng ta đang cố gắng “lấp liếm” những thua thiệt và sự nhược tiểu bằng những tiểu xảo trong ăn nói, đối đáp… mà không dám nhìn nhận thằng thắn vào những kém cỏi của mình.

Phải chăng cách giáo dục như vậy, kiểu tự hào về những giá trị “ảo” như vậy phần nào đã khiến người Việt thích hơn thua những chuyện nhỏ nhặt mà quên rằng nếu chúng ta thực sự hùng cường thì không cần phải dùng tiểu xảo mà người khác vẫn phải nể trọng. Phải chăng, cũng từ đó đã hình thành nên ý thức cộng đồng. Một cộng đồng không dám nhận mình còn yếu ớt, một cộng đồng không dám nhận mình còn thua kém bạn bè, một cộng đồng sợ nói lời xin lỗi, không dám nhận trách nhiệm, một cộng đồng không dám nhường nhịn người khác vì sợ thua thiệt về mình…

Cố chen lấn để vượt lên khi đèn đỏ, bóp còi thật to như quát tháo tất cả mọi người khi đường đang kẹt cứng hay cố gắng nhấn ga khi thấy chiếc xe máy, người đi bộ muốn xin qua đường trước mũi xe mình… có lẽ cũng hình thành từ sự mặc cảm sợ thua thiệt và muốn chứng tỏ mình “quyền lực” hơn người khác khi tham gia giao thông – một dạng tâm lý khá phổ biến của người Việt. Chính vì vậy mà hầu như người nước ngoài nào khi đến Việt Nam họ cũng cảm thấy “lạ lẫm” khi nhìn người Việt tham gia giao thông. Bạn cứ để ý hướng ống kính máy ảnh của những người nước ngoài, bạn sẽ nhận ra điều này.

Tin tức về những vụ tai nạn giao thông trong mấy ngày qua cứ đặc dần trên mặt báo. Những ngày giáp Tết, sự tranh giành còn diễn ra khốc liệt hơn trên mặt đường… Tỉ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao, ngoài nguyên nhân về cơ sở hạ tầng còn hạn chế thì nguyên nhân chính vẫn là ý thức cộng đồng trong giao thông, trong đó có cả những phút vội vã, lơ đễnh và nóng nảy của bạn khi đi trên đường…

Chiếc còi được thiết kế trên các phương tiện giao thông là để dùng khi cảnh báo nguy hiểm, nó tuyệt nhiên không phải là thứ để bạn tranh giành đường, thể hiện quyền lực, cái tôi hay sự thiếu văn hóa của mình. Đừng bóp còi như một thói quen mà hãy học cách nhường nhịn người khác khi tham gia giao thông, để bảo vệ chính bạn và những người thân của bạn và để người Việt không giống như “người ngoài hành tinh” trong mắt người nước ngoài.

Lê Hiền
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN